Từ khi thành lập đến nay, Hội Người mù T.X Phổ Yên đã trở thành mái nhà chung, chỗ dựa tin cậy cho những mảnh đời kém may mắn thông qua các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học văn hóa, hướng dẫn kỹ năng sống… Qua đó giúp những người khiếm thị có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Chị Lê Thị Luật, Chủ tịch Hội Người mù T.X Phổ Yên cho biết: Hội Người mù Thị xã hiện có hơn 200 hội viên, sinh hoạt ở 7 chi hội. Khi tham gia vào Hội, hầu hết các hội viên đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, do đó hỗ trợ hội viên vươn lên phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm được Hội đặt lên hàng đầu. Xác định nghề xoa bóp bấm huyệt là nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe và khả năng của người mù, do đó, song song với việc động viên, thuyết phục người mù tham gia học nghề, Hội luôn tích cực tìm kiếm cơ hội giới thiệu việc làm phù hợp cho hội viên. Đến nay, Hội có gần 40 hội viên đang làm nghề xoa bóp, bấm huyệt tại các cơ sở ở T.P Hà Nội và Thái Nguyên, với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Quyết, ở xóm Hưng Thịnh, xã Trung Thành cho biết: Hai bố con tôi đều không thể nhìn rõ mọi vật từ nhiều năm nay. Năm 2015, khi cán bộ Hội đến vận động tôi tham gia lớp học kỹ năng sống và học nghề xoa bóp, bấm huyệt nhưng bố tôi phản đối. Bởi bố tôi nghĩ, bản thân bố tôi và tôi còn không thể tự chăm sóc huống chi là học nghề rồi đi làm kiếm tiền. Tuy nhiên, với sự kiên trì vận động của cán bộ Hội cũng như ý chí quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình, tôi đã đồng ý tham gia Hội Người mù T.X Phổ Yên và khóa học nghề. Trong thời gian hơn 1 tháng, ngoài học nghề, tôi còn được học chữ nổi braille, hướng dẫn các kỹ năng sống… Kết thúc khóa học, tôi được một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt tại Hà Nội nhận vào làm việc với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí ăn ở. Năm đầu tiên đi làm, tôi đã gửi về cho gia đình được số tiền hơn 30 triệu đồng để trang trải cuộc sống.
Bên cạnh đó, đối với những hội viên trong độ tuổi lao động nhưng không có điều kiện học nghề, Hội cũng đã tích cực tìm kiếm và tạo việc làm với các ngành nghề như: Đóng gói tăm tre, làm chổi chít, đan lát... Phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ cây giống, tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay từ ngân hàng để phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2014 đến nay, Hội đã hỗ trợ hơn 1.500 giống cây trồng cho hơn 20 hội viên; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Thị xã tạo điều kiện cho 7 hội viên vay vốn với tổng số tiền 70 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản, đầu tư sửa chữa và mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt... Với sự nỗ lực vươn lên, hiện nay, nhiều hội viên đã thoát nghèo, có việc làm và thu nhập ổn định, số hộ nghèo và cận nghèo giảm xuống còn hơn 70 hộ.
Ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế, Hội Người mù Thị xã còn quan tâm, chia sẻ đời sống tinh thần với các hội viên. Trong 5 năm qua, Hội đã vận động được tổng số tiền trên 400 triệu đồng để trao tặng 1.419 suất quà cho các hội viên vào các dịp lễ, Tết. Ngoài ra, Hội cũng đã trích Quỹ “Vì hạnh phúc người mù” để hỗ trợ đột xuất cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ 1 hội viên sửa nhà và 3 hội viên làm nhà với tổng số tiền gần 60 triệu đồng; thăm hỏi, động viên các hội viên lúc ốm đau, hoạn nạn... Chị Triệu Thị Minh, hội viên Hội Người mù Thị xã, ở tổ dân phố A1, phường Bắc Sơn cho biết: Bản thân tôi bị dị tật mắt, thường xuyên đau ốm, đang nuôi 2 con nhỏ ăn học nên không có điều kiện để sửa chữa, nâng cấp căn nhà tạm đã cũ hỏng, dột nát. Trước hoàn cảnh đó, Hội Người mù T.X Phổ Yên đã đứng ra kêu gọi, vận động sự giúp đỡ, ủng hộ từ các tổ chức đoàn thể, tập thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ tôi xây dựng mới căn nhà cấp bốn, diện tích 40m2, kinh phí hơn 100 triệu đồng. Ngôi nhà được đưa vào sử dụng đúng dịp Tết Nguyên đán 2019 khiến mẹ con tôi vô cùng phấn khởi, có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Theo chị Lê Thị Luật, Chủ tịch Hội Người mù T.X Phổ Yên, kết quả lớn nhất sau 5 năm Hội đi vào hoạt động đó là nhiều người khiếm thị trên địa bàn đã nỗ lực vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn, tự tin vượt qua khó khăn, đứng vững bằng chính đôi chân của mình. Bằng những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, Hội đã giúp các mảnh đời kém may mắn xích lại gần nhau hơn, là nơi để các hội viên gặp gỡ, sẻ chia và tương trợ lẫn nhau, từng bước hòa nhập cộng đồng. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở các lớp học chữ, hướng dẫn kỹ năng sống cho các hội viên, Hội cũng mong muốn sẽ nhận được sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, ngành và nhân dân, đặc biệt là những gia đình có người khuyết tật, cùng Hội tích cực vận động, tạo điều kiện cho con em mình tham gia sinh hoạt, học tập để hòa nhập cộng đồng...