Nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội

16:36, 30/07/2019

Đây là nhận định của các đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2014 do Bộ Tư Pháp tổ chức ngày 30-7. Hội nghị này được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội với 62 điểm cầu tỉnh, thành phố nhằm đánh giá khách quan, toàn diện mặt tích cực, hiệu quả đã đạt được; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong các quy định pháp luật và áp dụng pháp luật trong quá trình thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết. Qua đó, đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về HNGĐ, pháp luật khác có liên quan. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Thái Nguyên có sự tham gia của lãnh đạo Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan.

Báo cáo tại Hội nghị nhấn mạnh: Qua thực tiễn thi hành Luật cho thấy, Luật HNGĐ đã có những quy định về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực HNGĐ; dành được sự đồng thuận cao từ xã hội cả trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật, nhất là các quy định về quyền kết hôn, quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản giữa vợ và chồng…

Quy định của Luật HNGĐ và các văn bản hướng dẫn cơ bản đã đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời làm rõ hơn về chức năng, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành, áp dụng pháp luật về HNGĐ, góp phần bảo đảm quyền về HNGĐ của người dân được công nhận, tôn trọng, thực hiện bảo vệ kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, công tác triển khai thi hành Luật được các cấp, bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương tiến hành nghiêm túc, bài bản, toàn diện. Công tác phổ biến tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Luật được chú trọng thực hiện toàn diện; công tác xây dựng thể chế để triển khai thi hành Luật nhận được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền…

Mặc dù vậy, quá trình thực thi Luật HNGĐ vẫn còn những hạn chế như công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến HNGĐ còn chưa bài bản; trong công tác xây dựng thể chế để cụ thể hóa một số nội dung của Luật vẫn còn thiếu tính khả thi… Do đó, các cấp, ngành, địa phương đã đưa ra một số kiến nghị, trong đó đáng lưu ý là: Các cấp có thẩm quyền rà soát, nghiên cứu những vấn đề còn bất cập để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác hoàn thiện thể chế hóa nhằm cụ thể hóa đầy đủ quy định, nội dung của Luật… Về phía tỉnh Thái Nguyên, cùng với việc đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực thi Luật HNGĐ cũng đưa ra một số kiến nghị như: đề nghị sửa đổi, bổ sung chế định ly thân trong Luật theo hướng cụ thể hơn; sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng thừa nhận hôn nhân cùng giới tính; quy định chế tài cụ thể trong việc vi phạm chế độ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật…