Tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả

10:57, 12/07/2019

Mới đây, Chính phủ vừa khai trương hệ thống xử lý công việc e-Cabinet, phấn đấu "họp không giấy tờ" vào cuối năm 2019. Hệ thống e-Cabinet do Viettel thực hiện sẽ góp phần giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước, đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật).

Hiện nay, trong công tác chỉ đạo, điều hành, chúng ta đang họp quá nhiều. Không riêng gì Chính phủ mà các bộ, ngành, địa phương cũng vậy. Ngay cả vấn đề báo cáo phục vụ cho việc chỉ đạo điều hành cũng như các cuộc họp càng ngày càng tăng lên.

Mục tiêu của hệ thống e-Cabinet là giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý công việc. Ngay sau khi hệ thống e-Cabinet chính thức khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống này, cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, bao gồm học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, vận động hệ thống các công ty công nghệ, các cơ quan có liên quan giúp xây dựng Chính phủ điện tử. Ngoài mục tiêu “liêm chính, kiến tạo, hành động”, Chính phủ đang quyết tâm xây dựng một bộ máy phi giấy tờ, ít họp hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí cho xã hội, người dân, doanh nghiệp.

E-Cabinet là bước thí điểm ban đầu quan trọng, một phương thức làm việc mới. Chuyển sang phương thức làm việc mới bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi nhiều người còn ngại thay đổi. Song, chúng ta đã quyết tâm đổi mới, xây dựng Chính phủ điện tử, bởi đây là xu thế tất yếu. Chúng ta muốn xây dựng thành công nền kinh tế số và xã hội số thì trước tiên phải có Chính phủ số. Lợi ích của e-Cabinet không chỉ dừng lại ở tiết kiệm thời gian họp hành mà là yêu cầu nội dung công việc phải được chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng và thời hạn để các thành viên tham dự có thể nghiên cứu trước và cho ý kiến.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo và quyết tâm đổi mới trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, Đảng bộ, Chính quyền và các cấp, các ngành trong tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến nhằm hưởng ứng tích cực và theo kịp xu thế đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở môi trường mới. Thời gian dành cho hội họp đã giảm đáng kể; nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được gắn với công tác chỉ đạo, điều hành, đảm bảo nhanh, nhạy, hiệu quả lại tránh được phiền hà. Hầu hết các hội nghị cấp tỉnh, huyện đều cung cấp tài liệu cho các đại biểu nghiên cứu trước, chuẩn bị ý kiến tham gia; không còn tình trạng đại biểu phải ôm một cặp tài liệu nặng trịch đến cuộc họp. Một số hệ thống phần mềm về quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã được xây dựng để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phù hợp với nội dung hoạt động, điều kiện, đặc điểm của địa phương, đơn vị; bảo đảm an ninh mạng, an ninh hệ thống, không để xảy ra sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu.

Tới đây, sau khi sử dụng thử nghiệm hệ thống e-Cabinet, Chính phủ sẽ đánh giá toàn diện hệ thống, rút kinh nghiệm để chỉ đạo triển khai các bước tiếp theo; xây dựng lộ trình quy định cụ thể trong việc không dùng giấy tờ. Để tạo được môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, điều quan trọng nhất vẫn là do tư tưởng con người. Mỗi chúng ta hãy quyết tâm thay đổi nhận thức. Trước hết, thay vì làm giấy tờ truyền thống, chúng ta hãy chuyển đổi xử lý hồ sơ trên nền điện tử, tiến tới số hoá. Việc xử lý hồ sơ công việc được số hóa sẽ tạo ra nhiều thuận lợi, môi trường trong lành, giảm chi phí, tiêu cực trong thực thi công vụ. Trên thực tế, nhiều người thi hành công vụ không muốn rời bỏ “quyền lợi” trong việc giải quyết thủ tục hành chính qua giấy tờ. Vì có giấy tờ, là có việc gặp gỡ trực tiếp, dễ dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, người dân như thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng… Nếu chúng ta làm được như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho xã hội cũng như của người dân. Mọi vấn đề đều được công khai, minh bạch, có sự giám sát của người dân, từ đó góp phần đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng.