Trong những ngày hè tháng 7 đỏ lửa, Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên đã hành hương về thăm một số “địa chỉ đỏ”, nơi đã in những dấu chân anh hùng của quân và dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ. Miền Trung nơi có cát mềm, nắng lửa và có cả những linh hồn bất tử của những người anh hùng đã giành cả tuổi xuân bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Dọc đường đi, nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nơi ghi nhớ công lao của 10 cô gái trẻ thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ canh giữ giao điểm, sửa đường thông xe trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cách đây gần 51 năm, vào ngày 24-7-1968, tại chính mảnh đất linh thiêng này, 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng.
Anh Đào Anh Tuân, Phó Ban Quản lý di tích Ngã ba Đồng Lộc (người đã có 10 năm làm việc tại đây) đã dành nhiều tình cảm với Đoàn Thái Nguyên: Thái Nguyên đối với Đồng Lộc như một mối lương duyên, không chỉ Đảng bộ, chính quyền tỉnh mà nhân dân Thái Nguyên cũng rất gắn kết, dành nhiều tình cảm cho nơi đây. Những năm qua, đã có hàng nghìn lượt cơ quan, đoàn thể, cá nhân trên khắp địa bàn Thái Nguyên đến với Đồng Lộc đều về với các chị để được nghe những câu chuyện lịch sử về Ngã ba Đồng Lộc, để thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ Thanh niên xung phong. Rời Đồng Lộc, chúng tôi đến Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 (thuộc tỉnh Quảng Trị). Những ngày này, hướng về kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7), các địa điểm này đều có rất đông người dân từ khắp nơi đến viếng, dâng hương các Anh hùng liệt sĩ. Tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, mỗi thành viên trong Đoàn dâng nén tâm ngang tưởng nhớ sự hy sinh của các Anh hùng lệt sĩ. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hào hùng của dân tộc ta, có biết bao người con ưu tú của đất nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và hóa thân thành “trầm tích” nằm sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Để rồi những ngày tháng Bảy này, khi cả nước quặn lòng hướng về Quảng Trị, người ta không quên ghé về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 – một “địa chỉ đỏ” trong mùa tri ân. Tại khu mộ, chúng tôi lần theo tên của những người con Thái Nguyên khắc trên từng ngôi mộ, liệt sĩ Hoàng Văn Thăng, liệt sĩ Hoàng Thanh Thường, liệt sĩ Nguyễn Thế Ngọc, liệt sĩ Trần Văn Hùng… và có cả những ngôi mộ chưa biết tên. Chúng tôi nhắm mắt lại, cố gắng mường tượng ra dù chỉ một phần sự khắc nghiệt của cuộc chiến, khi các anh, người đến từ huyện Định Hóa, người từ Phổ Yên, ở thành phố Thái Nguyên… theo lời Tổ quốc gọi đã lên đường, chiến đấu và hy sinh khi tuổi đời vừa mớiđôi mươi.
Điểm đến cuối cùng của Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên là Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh Quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là nơi an nghỉ đời đời của trên 10.000 chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Bên Khu mộ liệt sĩ tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn, ông Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên ngậm ngùi cho biết: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng nghìn lượt người dân Thái Nguyên lên đường tham gia chiến đấu, trong đó, gần 10.000 người con hóa thân vào sông núi. Riêng ở khu vực nghĩa trang liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn có 256 liệt sĩ đang an nghỉ. Dừng lại đôi chút, ông xúc động nhìn về phía khu mộ: Thái Nguyên tự hào là nơi cán bộ, nhân dân nghe công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở nước ta, ngày 27-7-1947. Trong suốt 72 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với các thân nhân liệt sĩ, gia đình thương binh, bệnh binh, những người có công với đất nước.
Lặng lẽ thắp hương dọc theo những hàng mộ, đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chia sẻ: Những năm qua, Tỉnh ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ tỉnh đặc biệt quan tâm đến các chính sách Đền ơn đáp nghĩa như: phũng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ ưu đãi hàng tháng cho người có công và gia đình, xây dựng nhà cho người có công, nuôi dưỡng các thương binh nặng, xây dựng, tôn tạo những nơi ghi danh các Anh hùng liệt sĩ… Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các Đoàn đi thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ ở nhiều tỉnh thành khác nhau, qua đó, thể hiện sự tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ, đồng thời thể hiện sự nhất quán trong quan điểm của tỉnh về việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc người có công, đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ, nhân dân trong toàn tỉnh về đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.
Trời ngả dần về chiều, chúng tôi đứng lặng lẽ giữa những ngôi mộ của các Anh hùng liệt sĩ. Lời văng vẳng đâu đây: Các anh, các chị mãi mãi trong mùa xuân của đất nước, mãi mãi linh thiêng trong lòng người dân nước Việt.