Năm học mới 2019-2020 đã đến gần, các bếp ăn tập thể tại trường học đang được dọn dẹp, tổ chức để sẵn sàng phục vụ học sinh, bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ và chủ động, ngành Giáo dục T.P Thái Nguyên không chỉ tập trung vào khâu kiểm soát ATVSTP tại các bếp ăn tập thể, mà còn coi trọng vấn đề nâng cao kiến thức ATVSTP cho học sinh và phụ huynh.
Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có trên 143 trường mầm non, tiểu học và THCS, trong đó có 64 trường mầm non, 43 trường tiểu học có bếp ăn tập thể bán trú. Đây chính là nhóm bậc học tổ chức bếp ăn tập thể lớn nhất trong toàn ngành Giáo dục T.P Thái Nguyên và áp dụng đầy đủ bộ tiêu chuẩn về dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe, thể chất cho trẻ em. Để bữa ăn đủ tiêu chuẩn về dinh dưỡng và đảm bảo ATVSTP, hàng năm vào dịp đầu năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố triển khai việc kiểm tra sức khỏe, tập huấn trang bị kiến thức cho đội ngũ cô nuôi về quy trình, quy phạm và các tiêu chuẩn tổ chức bếp ăn tập thể cho trẻ em. Đến hết tháng 7-2019, toàn bộ gần 600 cô nuôi, nhân viên nấu ăn và trên 100 người làm dịch vụ tiếp phẩm đã hoàn thành khóa tập huấn, kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế trong Thành phố.
Theo kế hoạch năm học mới 2019-2020, ngành Giáo dục Thành phố tập trung thẩm định các hồ sơ lựa chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm và tổ chức nấu ăn phục vụ học sinh bán trú cho cả năm học. Chính vì vậy, bên cạnh các tiêu chuẩn về ATVSTP thì vấn đề duy trì các tiêu chuẩn liên tục hàng ngày từ khi khai giảng đến hết năm học là giám sát thực tế chứ không thuần túy dựa vào hồ sơ. Theo bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) T.P Thái Nguyên cho biết: “Với mức độ sử dụng gần 1.000 tấn gạo, trên 600 tấn thịt, xương, rau, củ quả/năm, chúng tôi phải lựa chọn được 5 nhà thầu có nhiều kinh nghiệm và có vùng nguyên liệu thực phẩm đảm bảo an toàn làm dịch vụ dinh dưỡng cho ngành. Bên cạnh đó, ngành cũng khuyến khích ưu tiên lựa chọn các nhà vườn, vùng rau, hộ kinh doanh thực phẩm an toàn tại địa phương để ký hợp đồng cung ứng”. Với cách làm này, bước đầu đã khép kín quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu thụ, chế biến góp phần ngăn chặn các tiêu cực trong chuỗi sản xuất, tiêu dùng thực phẩm.
Để bảo đảm tính khách quan, tạo niềm tin trong xã hội, Phòng GD&ĐT Thành phố quy định các trường học, bếp ăn bán trú đều phải có ban đại diện hội phụ huynh học sinh trực tiếp tham gia vào quy trình giám sát thực phẩm, đồng thời có ký nhận hàng ngày. Có mặt tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (phường Quan Triều), cô giáo Chu Thị Tuyết Trinh, Hiệu trưởng cho biết: “Ưu tiên của Trường cho đội ngũ tiếp phẩm, nhà thầu cung ứng thực phẩm là phụ huynh học sinh, người địa phương, có con, cháu học tại đây. Sau khi đã lựa chọn được người thì Trường hướng dẫn họ tham gia học tập kiến thức về ATVSTP, kiểm tra giám định sức khỏe. Bên cạnh đó, Trường tổ chức việc giáo dục nâng cao nhận thức về dinh dưỡng chăm sóc trẻ cho phụ huynh học sinh và nâng cao nhận thức về ATVSTP từ gia đình đến nhà trường. Điều này sẽ tạo thói quen trong sinh hoạt của các gia đình và con trẻ về việc thường xuyên quan tâm đến thực hành ATVSTP”. Cũng bằng hình thức tuyên truyền, giáo dục về ATVSTP, tại Trường Mầm non Hương Sen (phường Trung Thành), cô giáo Trịnh Thị Minh Chính, Hiệu trưởng chia sẻ: Nhà trường vận động, Hội Phụ huynh học sinh trực tiếp tham gia vào trồng, chăm sóc vườn rau an toàn theo các tiêu chuẩn ATVSTP, rồi bán lại cho bếp ăn của Trường. Như vậy góp phần mạng lại lợi ích của hai bên (nhà trường và gia đình), đồng thời nêu cao tinh thần, trách nhiệm xã hội”.
Chủ động kiểm soát ATVSTP có sự tham gia của đại diện phụ huynh học sinh đã góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội vào hoạt động chăm sóc, giáo dục học sinh. Đây chính là một trong những chủ trương về xã hội hóa giáo dục được cụ thể hóa từ lĩnh vực ATVSTP.