Khi phong trào lớn đi vào đời sống

09:34, 15/08/2019

100% xóm có nhà văn hoá đạt chuẩn; 100% số hộ và 100% số xóm hằng năm đăng ký đạt tiêu chí văn hoá. Và hiện trong xã không còn hộ ở nhà tạm. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Hương (T.X Phổ Yên) tâm đắc khi nói về kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (gọi tắt là Phong trào) của địa phương.

Xã Tân Hương có 2.128 hộ, hơn 9.000 nhân khẩu cùng đoàn kết sinh sống tại 23 xóm. Là địa bàn tiếp giáp với trung tâm Thị xã, nên Tân Hương chịu nhiều ảnh hưởng do tốc độ đô thị hoá nhanh của Thị xã công nghiệp trẻ. Liên quan trực tiếp tới đời sống người dân là diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, để dành chỗ cho các khu tái định cư, các công trình phúc lợi công cộng, nhưng nông dân Tân Hương vẫn chủ động bảo đảm có đủ lương thực tại chỗ, bằng cách đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao vào sản xuất đại trà; đồng thời phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá.

 Ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cán bộ, nhân dân xã Tân Hương luôn chủ động thích ứng với tình hình phát triển chung của Thị xã. Bà con ở từng khu dân cư luôn đoàn kết, hỗ trợ giúp nhau về giống cây trồng, vật nuôi, công sức lao động và kinh nghiệm sản xuất. Do vậy, đời sống người dân từng bước được cải thiện rõ rệt, mức sống được nâng cao, nhiều hộ đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Số hộ nghèo ở xã giảm nhanh, từ 76 hộ (năm 2017), giảm xuống còn 52 hộ (năm 2018); hộ cận nghèo từ 42 hộ (năm 2017), giảm xuống còn 39 hộ (năm 2018).

Tuy đời sống của người dân còn chưa hết khó khăn, nhưng mọi người dân đều tích cực hưởng ứng tham gia Phong trào. Ông Bá Văn Dũng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Tân Trung cho biết: Tại từng cơ sở, Phong trào được triển khai rất cụ thể, như hiến đất làm đường, xây dựng Nhà văn hoá, sân chơi thể thao hoặc như vận động các thành viên trong gia đình tham gia giao thông an toàn. Đứng trước Nhà văn hoá của xóm, ông phấn chấn nói: Trước đây, xóm đã có Nhà văn hoá, nhưng vì chưa đạt chuẩn, năm 2014, bà con trong xóm thống nhất phá dỡ, cùng đóng góp xây dựng lại Nhà văn hoá rộng rãi đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Nhờ có Nhà văn hoá, sân chơi thể thao đạt chuẩn, trừ hôm trời mưa, còn ngày nào cũng… vui như hội, bởi người dân đến chơi thể thao, tập vặn nghệ. Ông Nguyễn Văn Ái, Trưởng xóm tự hào: Nhân dân xóm Tân Trung chúng tôi đã nhiều lần được đón nhận Bằng Văn hoá cấp huyện.

Đến xóm Tân Long 1, đứng trên nền bê tông của sân Nhà văn hoá, ông Bá Văn Giang, Trưởng Ban công tác Mặt trận chia sẻ: Xóm chúng tôi cũng nhiều lần được lãnh đạo UBND huyện (nay là Thị xã) về chung vui Ngày hội Đại đoàn kết, đồng thời trao tặng Bằng Làng Văn hoá cấp huyện, thị cho xóm… Nhìn ngôi Nhà văn hoá khang trang được xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi, chúng tôi biết đây là thành quả của Phong trào. Hơn thế, đó còn là một sự hội tụ tinh thần đoàn kết của 75 hộ, 312 nhân khẩu xóm Tân Long 1 đã cùng đóng góp, tạo dựng nên những thiết chế văn hoá để phục vụ cho đời sống, tinh thần của chính mình. Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Thị xã tâm đắc: Phổ Yên là Thị xã trẻ, năng động và đang phát triển với tốc độ nhanh. Nhưng điều đó không làm ảnh hưởng tới nếp sống thuần hậu của người dân địa phương, trong đó có người dân xã Tân Hương.

Để đạt được điều đó, Ban Chỉ đạo Phong trào xã Tân Hương đã đưa các tiêu chí của Phong trào vào hương ước, quy ước để cộng đồng dân cư cùng thực hiện. Với tinh thần phát huy nội lực để xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, Ban vận động ở các khu dân cư đã vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Đến nay, xã đã có Nhà đa năng và 100% số xóm xây dựng được Nhà văn hoá đạt chuẩn nông thôn mới. Xã có 7 cụm loa truyền thanh, 18 sân chơi cầu lông, 2 sân bóng nhân tạo và 1 bể bơi thông minh. Trong những năm gần đây, nhân dân cũng đã tham gia đóng góp cùng Nhà nước làm được 220 mét đường bê tông liên xóm, 3.204 mét kênh mương nội đồng.

Nhằm thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, Ban Chỉ đạo Phong trào triển khai, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng quy ước, hương ước trong cộng đồng dân cư đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với địa phương, góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao chuẩn mực đạo đức truyền thống, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ nghiêm túc bình xét thi đua, nên Phong trào ngày càng có chất lượng, đi vào chiều sâu, số hộ đạt gia đình văn hoá năm sau luôn cao hơn năm trước, từ 88,4% (năm 2016) lên gần 90% (năm 2018). Số xóm đạt danh hiệu văn hoá tăng từ 17 xóm (năm 2016) lên 19 xóm (năm 2018).