Loạn thần vì ma túy đá

12:40, 05/08/2019

Nói về tác hại của ma túy các y, bác sĩ của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Thái Nguyên có lẽ là những người hiểu rõ nhất. Sử dụng ma túy, nhất là các dạng ma túy đá khiến không ít người mắc chứng loạn thần, mất kiểm soát hành vi và gây nguy hiểm cho người xung quanh. Đáng nói, số lượng bệnh nhân có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

Một số dấu hiệu dễ nhận biết bị loạn thần như: Khô môi, mắt đờ đẫn, hay nói một mình. Tưởng tượng thấy ma quỷ, thần tiên, sợ bị đuổi đánh, có người theo dõi. Nhiều trường hợp, người hiền lành, nhút nhát cũng trở nên hung hãn.

Khoa Nam, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Thái Nguyên là nơi tập trung nhiều nhất bệnh nhân mắc chứng loạn thần liên quan đến ma túy. Cũng vì chuyên khoa đặc thù nên cơ sở vật chất khá đặc biệt. Ba bề, bốn phía được xây và rào kín, chỉ duy nhất một lối cửa ra vào và luôn có cán bộ trực kiểm soát. Đi vào các phòng bệnh,  chúng tôi thấy bệnh nhân mắc chứng loạn tâm thần nặng thể hiện rất nhiều trạng thái: Người thì mắt xa xăm như dị mộng; người luôn miệng lẩm bẩm đi lại; người thì la hét, rồi cười nghặt nghẽo... Trung bình mỗi năm, Khoa tiếp nhận và điều trị trên 600 bệnh nhân, trong đó khoảng 10% liên quan đến ma túy. Tỷ lệ này có xu hướng ngày càng tăng. Đa phần ở độ tuổi 20 đến 30, vào viện trong tình trạng tâm thần bị ảo giác, kích động mạnh, không kiểm soát được hành vi dẫn đến la hét, chửi mắng, sợ hãi tưởng tượng bị người khác đuổi giết.

Nguyễn Thành N. là một trong những bệnh nhân mắc chứng loạn thần do sử dụng ma túy đá. Sau một hơn một tháng điều trị, N. dần ổn định, ăn uống và sinh hoạt điều độ nên tăng tới gần 10kg. N. kể: Em quê gốc ở huyện Phú Lương, đã có vợ và một con trai. Trong thời gian đi làm lao động tự do ở Bắc Ninh, sẵn có tiền và bị bạn bè lôi kéo thử dùng ma túy đá rồi nghiện lúc nào không biết. Những lần đầu chỉ hết 1-2 trăm nghìn đồng, nhưng sau tần suất và liều lượng ngày càng tăng. Mỗi lần dùng xong thấy người nóng bừng, toát mồ hôi, cảm giác hưng phấn có khi cả mấy ngày không ngủ cũng vẫn tỉnh táo. Vào trông con, bà Trần Thị H. không dấu được những giọt nước mắt xót xa: Trước nó từng vào trại giáo dưỡng ở Bắc Ninh mấy tháng. Về nhà nhưng không dứt ra được, suốt ngày đi lang tháng và không ăn uống nên người chỉ còn da bọc xương. Khi vào bệnh viện nó gần như không kiểm soát được hành vi, gia đình phải nhờ người giữ, trói chân tay mới đưa đi được.

Bác sĩ Lâm Văn Sơn, Phó Trưởng khoa Nam, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Thái Nguyên cho biết: Ai cũng biết rằng điều trị, chăm sóc bệnh nhân bình thường đã khó, nhưng với bệnh nhân bị tổn thương về thần kinh lại càng khó hơn gấp bội. Chăm sóc bệnh nhân dùng ma túy đá bác sĩ còn có thể bị nguy hiểm vì khi ở trạng thái hoang tưởng bệnh nhân có thể tấn công y, bác sĩ. Bản thân bác sĩ Sơn từng bị một bệnh nhân loạn thần do ma túy tấn công dẫn đến gãy xương ngón tay trong quá trình thăm, khám.

Trong số bệnh nhân từng tới đây điều trị, trường hợp Nguyễn Văn Tiệp là người các y, bác sĩ nhớ nhất. Tiệp là thủ phạm gây ra vụ án mạng kinh hoàng, gây rúng động dư luận khi dùng dao chém trọng thương chú ruột và chém chết bác ruột tại xóm Trung tâm, xã Phú Đình (Định Hóa) cuối năm 2016. Từng là sinh viên một trường đại học có tiếng ở Thái Nguyên, khi gây án mạng y có biểu hiện loạn thần hoang tưởng. Tiệp được đưa vào viện trong tình trạng suy nhược cơ thể, luôn có các chiến sĩ công an giám sát cả ngày lẫn đêm. Bác sĩ Trần Thị Định, Trưởng khoa Nam kể: “Tiệp còn rất trẻ, trông hiền lành và đẹp trai là đằng khác. Sau một tháng điều trị tinh thần và thể chất đều khá ổn. Những lúc tỉnh táo, bệnh nhân rất ngại tiếp xúc với mọi người, có tâm lý mặc cảm và tự ti về bản thân. Bố mẹ và người thân đến thăm thì chỉ biết ôm nhau khóc”. Cũng có trường hợp nguyên là cán bộ công an, gia đình có điều kiện kinh tế nhưng vướng vào ma túy dẫn đến mắc chứng loạn thần. Bệnh nhân lúc nào cũng nghĩ có người rình rập, theo dõi và dọa giết mình khiến không dám về nhà. Gia đình phát hiện và đưa vào điều trị, dù đã trông coi rất cẩn thận nhưng vẫn có vài lần trốn được ra ngoài.

 “Thời gian đầu sử dụng ma túy đá thường tạo ra ảo giác hưng phấn, dễ chịu nhưng về lâu dài sẽ làm các tế bào não bị tổn thương, dần dần bị hủy hoại và gây ra những tác hại nghiêm trọng về sức khỏe như: Trầm cảm, mệt mỏi, rối loạn tâm thần, gây ra hoang tưởng hay ảo giác...” - Bác sĩ Trần Thị Định thông tin. Bệnh nhân liên quan đến ma túy vào khoa có 2 dạng là ngộ độc cấp và hoang tưởng ảo giác mãn tính cả hành vi lẫn tư duy. Theo bác sĩ Định, hiện nay xuất hiện nhiều loại ma túy mới, các chất gây nghiện chưa có trong danh mục quy định. Chính vì vậy việc tìm ra chính xác người bệnh từng sử dụng loại ma túy nào để có phác đồ điều trị phù hợp gặp nhiều khó khăn. Đáng lo ngại hơn là hầu hết bệnh nhân nghiện sau đợt điều trị trở về nhà lại tiếp tục sử dụng ma túy khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn. Do vậy, trường hợp ra viện rồi trở lại nhiều lần khá phổ biến.

Trước thực tế nêu trên, bác sĩ Trần Thị Định cho rằng: Cùng với biện pháp phòng ngừa, ngành chức năng cần có chính sách phù hợp, sớm đưa các đối tượng nghiện ma túy, nhất là ma túy dạng đá đi cai nghiện. Khi người nghiện có dấu hiệu loạn thần phải đưa vào bệnh viện kịp thời và điều trị dứt điểm. Gia đình, cơ quan chức năng và cộng đồng cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cách ly bệnh nhân sau khi xuất viện với nguồn cung cấp ma túy, nhằm ngăn chặn tình trạng tái phát chứng loạn thần ở mức độ nghiêm trọng hơn, không kiểm soát được hành vi, dễ gây án cho người trong gia đình và xã hội.