Hơn 30 năm nay, người dân xóm Bản Mới, xã Kim Phượng (Định Hóa) thường xuyên đi lại qua cây cầu tạm được dựng nên bằng tre nứa bắc qua dòng suối Kim Phượng. Nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại cây cầu tạm này. Người dân Bản Mới mong có cây cầu cứng để việc lưu thông được an toàn.
Dòng suối Kim Phượng chia cắt xóm Bản Mới, xã Kim Phượng thành 2 khu biệt lập: Khu Nà Lời và khu Bản Mới. Khu Nà Lời có 10 hộ gia đình với 27 nhân khẩu; khu Bản Mới có 79 hộ với 298 nhân khẩu. Mặc dù, khu Nà Lời chỉ có 10 hộ gia đình sinh sống nhưng đây lại là khu vực tập trung chủ yếu đất đai sản xuất của người dân xóm Bản Mới với trên 10ha đất rừng và khoảng 3ha đất nông nghiệp. Vì vậy, để đi lại giữa 2 khu, người dân trong xóm đã làm cây cầu tre dài gần 30 mét, rộng khoảng 1 mét. Cây cầu được ghép từ những thân cây tre, nứa cột lại với nhau bằng dây thép. Cầu không có lan can nên việc đi lại của người dân hết sức nguy hiểm. Năm nào mưa lớn, cầu thường bị nước lũ cuốn trôi, người dân lại đóng góp vật liệu, tre nứa dựng lại cầu.
Để đi vào khu Nà Lời, chúng tôi buộc phải đi qua cây cầu tre bắc qua dòng suối Kim Phượng. Chiếc cầu không có lan can, chòng chành, rung lắc theo mỗi bước đi. Thú thực, phải lấy hết can đảm chúng tôi mới dám đi trên cây cầu tre đó. Vậy mà, hàng ngày, không còn cách nào khác người dân nơi đây vẫn phải đánh cược tính mạng của mình để đi qua cây cầu tre này. Ông Hoàng Minh Khánh, Trưởng xóm Bản Mới cho biết: Mặc dù được dựng nên tạm bợ và không đảm bảo an toàn nhưng hằng ngày cây cầu vẫn phải oằn mình cõng hàng trăm lượt người qua lại (trẻ em đi học, người dân đi làm đồng, khách ra vào xóm để buôn bán…). Vì thế, nhiều trường hợp đã bị ngã xuống suối khi đi qua cây cầu tạm này. Minh chứng đau xót nhất là trường hợp của ông Đàm Văn Mai và cô Hà Thị Lụa đều là người dân xóm Bản Mới bị ngã chết đuối khi đi qua cây cầu xảy ra cách đây vài năm.
Chị Nguyễn Thị Ngâm, người dân khu Nà Lời kể lại: Năm ngoái, con trai tôi là cháu Hà Văn Khánh khi đi học về qua cây cầu bị trượt ngã xuống suối, cháu không biết bơi, nước suối sâu lại chảy siết, may mà có người dân đi qua nhìn thấy nhảy xuống cứu kịp thời. Từ đó đến nay, mỗi lần cháu đi học, gia đình tôi đều phải cử người lớn dẫn cháu qua cầu thì mới yên tâm. Trong khi đang trò chuyện thì chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Trung, người dân xóm Bản Mới vừa đi làm đồng về qua cầu, ông cho biết: Gia đình tôi ở bên kia suối nhưng có 3 sào ruộng và hơn 1ha rừng ở khu Nà Lời nên hằng ngày tôi vẫn phải đi qua cầu để sang bên đó canh tác. Hồi đầu năm nay, vợ chồng tôi đi làm ruộng về gặp đúng thời điểm nước suối dâng cao ngập cầu, do nước suối chảy siết nên cả 2 vợ chồng tôi đều bị nước cuốn, may mắn lúc đó có nhiều người qua lại nên chúng tôi được cứu kịp thời. Sau lần đó, mỗi khi đi qua cầu tôi thực sự rất lo lắng và sợ hãi.
Đường sá đi lại khó khăn khiến cho kinh tế của người dân nơi đây chậm phát triển vì nông sản làm ra rất khó khăn để vận chuyển ra bên ngoài. Nên 10 gia đình sinh sống ở khu Nà Lời nhiều năm nay vẫn thuộc diện hộ nghèo. Bà Hoàng Thị Sen, người dân đã sinh sống ở Khu Nà Lời hơn 20 năm nay cho biết: Người dân chúng tôi ở đây làm gì cũng khó khăn, muốn xây dựng nhà thì xe chở vật liệu không vào được. Chăn nuôi con lợn, con gà đến lúc bán thì thương lái nói không có đường vào nên giá bán cũng rẻ hơn những chỗ khác. Vì thế, nhiều năm nay, chúng tôi chỉ mong có một cây cầu kiên cố để cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phượng cho biết: Là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tất cả các tiêu chí đã góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, duy chỉ có một điều khiến chính quyền địa phương vẫn trăn trở nhiều năm nay đó là sự bất cập, mất an toàn của cây cầu tre tại xóm Bản Mới. Mong muốn của người dân về một cây cầu cứng là vô cùng chính đáng song kinh phí xây dựng quá lớn, nằm ngoài khả năng ngân sách của xã nên chúng tôi chưa thể thực hiện được. Với nhu cầu cấp thiết, chính đáng của người dân, cấp ủy, chính quyền xã Kim Phượng tha thiết đề nghị cấp trên sớm quan tâm hỗ trợ, đầu tư xây dựng cây cầu cứng tại xóm Bản Mới để đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế của người dân.
Chúng tôi cũng hy vọng một ngày không xa, người dân nơi đây sẽ được đi lại trên cây cầu kiên cố, an toàn, để các em nhỏ yên tâm đến trường học tập, người dân có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và không còn nơm nớp nỗi lo mỗi khi mùa mưa lũ về...