Những năm qua, Phòng Y tế huyện Phú Bình đã làm tốt công tác tham mưu và thực hiện các chương trình, kế hoạch của UBND huyện trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhờ vậy, công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn luôn được đảm bảo đúng quy định.
Ông Dương Quang Tuấn, Bác sĩ chuyên khoa I, Trưởng phòng Y tế huyện Phú Bình cho biết: Cũng giống như các địa phương khác, cùng với nhu cầu và sự phát triển của xã hội, những năm gần đây, các cơ sở khám, chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Phú Bình cũng tăng nhanh. Do vậy, công tác quản lý Nhà nước, thanh, kiểm tra hoạt động đối với các cơ cở này cũng yêu cầu cao hơn, khó khăn và phức tạp hơn. Theo đó, công tác tham mưu và thực hiện các chương trình, kế hoạch của huyện về lĩnh vực này cần phù hợp thời điểm và đáp ứng yêu cầu thực tế. Để quản lý đạt hiệu quả, bên cạnh việc tham mưu kịp thời, đúng và trúng thì công tác thanh, kiểm tra giữ vai trò quan trọng.
Ngay từ đầu mỗi năm, Phòng Y tế đã tham mưu để kiện toàn Ban Chỉ đạo ATVSTP từ huyện đến xã, đồng thời giao trách nhiệm theo phân cấp quản lý. Cụ thể, cấp xã có trách nhiệm quản lý đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, quán ăn có quy mô từ dưới 50 suất ăn. Ban chỉ đạo ATVSTP cấp xã do đồng chí chủ tịch UBND làm trưởng ban, phó chủ tịch UBND là phó ban, thành viên là trưởng các xóm, tổ dân phố… Song song với đó, hằng năm, Phòng chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu với UBND huyện, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở định kỳ và vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, lễ hội đầu Xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Phòng cũng luôn chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn trong thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Hiện nay, toàn huyện Phú Bình có gần 900 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Vì vậy, công tác tuyên truyền về ATVSTP được huyện Phú Bình tăng cường bằng nhiều hình thức như: Mở lớp tập huấn trang bị kiến thức, hướng dẫn trực tiếp tại các cơ sở qua các buổi kiểm tra, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tính riêng đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 26 buổi hội thảo cho trên 1.000 người tham gia, tập huấn cho 160 người về ATVSTP… Bên cạnh đó, công tác kiểm tra được chú trọng. Trong năm 2018, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra 133 sơ sở, phát hiện và xử lý hành chính 19 cơ sở. Còn từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 500 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua đó phát hiện 87 cơ sở vi phạm, trong đó ra quyết định xử phạt hành chính 5 cơ sở. Số còn lại đã được nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu khắc phục. Các vi phạm chủ yếu là do các cơ sở không lưu mẫu thức ăn theo quy định, trang thiết bị, dụng cụ chế biến chưa đảm bảo, người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm chưa đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Việc kiểm tra đã giúp chủ các cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm và kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các sai phạm để đảm bảo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Mặc dù công tác quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được thực hiện khá hiệu quả tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn như: Ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật của một số cơ sở còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về ATVSTP tại một số xã chưa thực sự được quan tâm và nhận thức của người dân về vấn đề này còn thấp hoặc chủ quan. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, các bếp ăn tập thể tại các công ty trên địa khu công nghiệp phát triển nhanh (nhất là các doanh nghiệp FDI) nhưng vấn đề quản lý rất nan giải, không nắm được quy mô suất ăn. Mặc dù trong thời gian qua trên địa bàn huyện chưa xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn này nhưng chưa có cơ chế quản lý phù hợp. Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Quang Tuấn cho biết thêm: Những khó khăn, tồn tại trong quản lý ATVSTP là vấn đề chúng tôi luôn trăn trở, tìm cách khắc phục để thực hiện hiệu quả hơn công tác này. Trong thời gian tới, chúng tôi xác định tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thường xuyên thanh, kiểm tra để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ cơ sở, doanh nghiệp nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn đến người dân.