Với quy mô hơn 1.200 giường, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là nơi tập trung số lượng lớn bệnh nhân trong tỉnh và khu vực như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… đến khám, chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện thải ra khoảng 240kg chất thái y tế nguy hại (đó là chưa kể lượng chất thải y thế thông thường và sinh hoạt); 450m3 nước thải. Để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhiều năm nay, Bệnh viên luôn quan tâm tới công tác thu gom, xử lý chất thải và nước thải.
Chúng tôi đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào một ngày tháng 8. Dù vẫn còn những hạng mục đang xây dựng dang dở nhưng điều mọi người dễ nhận thấy là cơ sở khám, chữa bệnh này luôn sạch sẽ. Những con đường nội tuyến nối các khoa, phòng, các khu nhà với nhau được quét don liên tục; trong các phòng khám bệnh, phòng điều trị… đều có thùng đựng rác với màu sắc bắt mắt… Bác sĩ, Hà Đức Trịnh, Phó Trưởng Phòng Hành chính - Quản trị cho biết: Chất thải rắn phát sinh từ các phòng, khoa… được thu gom và phân loại tại nguồn. Sau đó, chất thải y tế nguy hại được chúng tôi đưa vào lò xử lý bằng công nghệ vi sóng.
Được biết, các loại chất thải rắn đã phân loại tại nơi phát sinh được Bệnh viện thu gom ra xe chuyển rác (tại đầu nhà các khoa, phòng, trung tâm). Theo đó, Công ty Làm sạch quốc tế (ICT) hợp đồng với Bệnh viện trong việc thu gom, làm sạch ngoại cảnh và vận chuyển đến nhà chứa chất thải của Bệnh viện. Tại đây, chất thải rắn y tế sẽ được xử ly bằng công nghệ vi sóng với công suất 38kg/giờ, đảm bảo yêu cầu chống lây nhiễm; còn chất thải y tế thông thường được nghiền nhuyễn bằng công nghệ không khói. Sau đó, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên sẽ vận chuyển từ nhà chứa chất thải của Bệnh viện đến bãi chứa rác thải của Thành phố (xử lý 1 lần/ngày bằng phương pháp chôn lấp).
Trên thực tế, chất thải y tế, nhất là chất thải dạng rắn, là loại chất thải nguy hiểm do chứa nhiều mầm bệnh dễ lan truyền lây nhiễm, các hoá chất độc hại và các vật sắc nhọn nguy hại. Việc xử lý chất thải bệnh viện nói chung và chất thải rắn y tế nguy hại nói riêng là một nhu cầu thực tế, ngày càng trở thành vấn đề cần quan tâm. Do đó, năm 2015, với việc đưa hệ thống xử lý chất thải rắn y tế trị giá trên 10 tỷ đồng vào vận hành, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã xử lý được chất thải y tế độc hại ngay tại chỗ, tiết kiệm được chi phí, bảo vệ môi trường... Anh Trịnh cho biết thêm: Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế của Bệnh viện đã được Bộ Y tế lựa chọn thực hiện theo “Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trước đây, chúng tôi phải thuê vận chuyển rác thải y tế độc hại ra bãi chứa rác với giá 15.000 đồng/kg. Từ khi có hệ thông xử lý chất thải này thì chi phí đã giảm xuống còn 6.000 đồng/kg.
Đối với chất thải sinh hoạt, Bệnh viện đã ký hợp đồng với Chi nhánh Vệ sinh môi trường - Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.
Không chỉ quan tâm tới việc xử lý chất thải rắn, nhất là các loại chất thải y tế độc hại, Bệnh viện còn quan tâm tới việc xử lý nước thải. Từ khi hệ thống thu gom và xử lý nước thải với kinh phí đầu tư 39 tỷ đồng được đưa vào hoạt động (năm 2013), lượng nước thải từ các khoa, phòng, trung tâm đều được thu gom và đưa về khu trung tâm để xử lý nước trước khi xả ra môi trường. Cụ thể: Nước thải từ các khoa, phòng khám, chữa bệnh được hệ thống thu gom đổ về bể tách rác, qua màng lọc tách mỡ, sau đó bơm lên bể điều hòa xử lý bằng công nghệ sinh học. Cuối quy trình xử lý, nước thải đáp ứng Quy chuẩn 28:2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói: Qua kết quả phân tích định kỳ của cơ quan chức năng cho thấy, các chỉ tiêu trong nước thải đã qua xử lý của Bệnh viện đều nằm trong giới hạn cho phép…
Có thể thấy, bằng việc đưa vào vận hành hệ thống xử lý chất thải mới với công nghệ xử lý tiên tiến và công suất phù hợp, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã giải quyết tình trạng quá tải của hệ thống xử lý chất thải trước đây tại Bệnh viện. Nước và chất thải rắn sau khi xử lý đều đạt các quy chuẩn kỹ thuật về chất thải y tế hiện nay của Việt Nam. Qua đó, đã góp phần bảo vệ môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, đạt được kết quả này, ngoài việc lựa chọn được hệ thống xử lý chất thải, nước thải phù hợp, còn phải kể đến ý thức chấp hành nghiêm túc của các y, bác sĩ trong Bệnh viện. Không chỉ có phong thái làm việc chuyên nghiệp, hết lòng vì bệnh nhân, chủ động phân rác tại nguồn theo chỉ đạo của cấp trên, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ ở cơ sở khám bệnh này còn tích cực tuyên truyền, vận động bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chấp hành việc phân loại rác tại nguồn, từ đó tạo ra nguồn chất thải (y tế độc hại, y tế thông thường, chất thải sinh hoạt) phù hợp với việc vận hành hệ thống xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ vi sóng.