Vấn đề bạo lực trong lứa tuổi học sinh là nỗi lo lắng không chỉ của ngành Giáo dục – Đào tạo, phụ huynh học sinh và xã hội khi mà mức độ nghiêm trọng của bạo lực đang diễn biến theo chiều hướng tăng.
Nhắc đến vấn đề bạo lực trong lứa tuổi học sinh gần đây thì không thể không nhắc đến vụ việc xảy ra vào đầu năm học 2013-2014, tại Trường THPT Khánh Hòa, xã Sơn Cẩm (Phú Lương). Chỉ vì 1 tin nhắn mà sau giờ tan học, học sinh Nguyễn Đức Mạnh, sinh năm 1995; Hoàng Anh Duy, sinh năm 1998 và Trần Minh Nhật, sinh năm 1995 (đều là học sinh Trường THPT Khánh Hòa) đã xô xát để lại hậu quả nặng nề: 1 người chết, 1 người bị thương, còn 1 người vướng vòng lao lý và cả đời phải chịu sự dằn vặt lương tâm vì tội lỗi mình gây ra.
Gần đây nhất là sự việc đau lòng xảy ra trên địa bàn xã Khôi Kỳ (Đại Từ). Tại xóm Bãi Pháo, xã Khôi Kỳ xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau giữa hai học sinh là: Lương Minh Tiến, sinh ngày 1-6-2004, là học sinh lớp 10A14, Trường THPT Đại Từ và Nguyễn Văn Quân, sinh ngày 12-1-2005, là học sinh Trường THCS Khôi Kỳ. Hậu quả, em Lương Minh Tiến tử vong.
Theo thống kê của Sở Giáo dục – Đào tạo thì trong 2 năm học gần đây là: 2017-2018, 2018-2019, toàn tỉnh có 15 vụ đánh nhau cả trong và ngoài cơ sở giáo dục, trong đó phần lớn là bậc THPT với 13 vụ. Nhìn vào các vụ học sinh đánh nhau thì thấy, hầu hết nguyên nhân dẫn đến đánh nhau đều rất đơn giản, đôi khi chỉ vì lời nói, hay hành động trêu đùa mà dẫn đến xô xát.
Từ trước tới nay, việc bạo lực trong học sinh không phải chưa được quan tâm, thậm chí ngành Giáo dục – Đào tạo đã có rất nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn bạo lực học đường. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo cho biết: Vấn đề bạo lực trong lứa tuổi học sinh hiện nay đang được ngành đặc biệt quan tâm. Ngay trước khi bước vào năm học mới 2019-2020, Sở đã tổ chức tập huấn chuyên đề về phòng, chống bạo lực học đường cho các phòng giáo dục – đào tạo trên địa bàn. Để từ đó, Phòng về triển khai tập huấn, tuyên truyền cho các cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục trong toàn ngành đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học, kế hoạch về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
Mặc dù vậy, bạo lực trong lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra, thậm chí ngày càng có chiều hướng tiêu cực về mức độ nghiêm trọng. Điều này chứng tỏ, chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Để đẩy lùi bạo lực trong lứa tuổi học sinh thì cần tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ bạo lực. Trước hết, phải khẳng định rằng, do sự chuyển biến về tâm lý của các em ở độ tuổi thanh, thiếu niên, thêm vào đó, sự phát triển của các loại đồ chơi, truyện, game có tính chất bạo lực cũng phần nào ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của các em, trong khi các em chưa nhận thức đầy đủ, ý thức hết hậu quả mà hành động của mình gây ra.
Để hình thành nhân cách các em thì nỗ lực từ phía ngành Giáo dục thôi chưa đủ, mà trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình. Các bậc cha mẹ cần trang bị cho con em mình đầy đủ kiến thức, đạo đức và bản lĩnh để hòa nhập với môi trường cộng đồng, trường học thay vì giữ tư tưởng khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường. Bên cạnh đó, cần có một cơ chế phối hợp một cách chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương, các đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội để tăng cường trao đổi thông tin, tuyên truyền, giáo dục các em. Trường học và địa phương cần tổ chức nhiều hoạt động, hình thức vui chơi tập thể nhằm tăng cường giáo dục kỹ năng sống, củng cố tình đoàn kết bạn bè, thầy cô. Đặc biệt là đối với một số học sinh cá biệt, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để uốn nắn, hướng các em vào các hoạt động tập thể của trường, lớp.