Hướng đi nào cho làng nghề mây tre đan

09:57, 12/09/2019

Những năm gần đây, không khí sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Làng nghề mây tre đan (MTĐ) thuộc xóm Phú Yên, xã Phấn Mễ (Phú Lương) ngày càng đìu hiu. Đầu ra khó khăn, lợi nhuận thấp, thiếu nhân lực là những nguyên nhân khiến đa số các hộ dân trong xóm phải bỏ nghề. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là có nên tiếp tục duy trì hoạt động của làng nghề?

Khi thành lập làng nghề (năm 2013), cả xóm có 32/49 hộ làm nghề MTĐ. Các mặt hàng chủ yếu là: nong, nia, xảo, thúng, sàng, mẹt… Thời điểm đó, thị trường cho sản phẩm MTĐ khá lớn. Lượng tiêu thụ sản phẩm của làng nghề đạt cao nhất là vào mùa thu hoạch lúa vì lúc này bà con thường sử dụng mặt hàng MTĐ để đựng nông sản. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của các mặt hàng gia dụng làm từ nhựa, inox với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng đã khiến đầu ra sản phẩm MTĐ gặp khó khăn. Ngoài ra, lực lượng lao động trẻ cũng ngày càng khan hiếm do lao động này đã đi làm ở công ty, nhà máy, khu công nghiệp để có thu nhập cao hơn. Hiện, còn rất ít hộ dân duy trì nghề MTĐ và chỉ sản xuất vào thời gian rảnh rỗi hoặc khi có khách đặt hàng.

Bà Đinh Thị Thao, xóm Phú Yên cho biết: Trước đây, vào mỗi phiên chợ Đu, chúng tôi giao được 40 đến 50 sản phẩm các loại cho thương lái, với giá từ 10 đến 50 nghìn đồng/sản phẩm, mỗi tháng giao được 2-3 đợt hàng. Tuy nhiên, những năm gần đây nhu cầu của thị trường ngày càng giảm, chúng tôi chỉ làm khi có khách đặt hoặc phục vụ công việc làm chè của gia đình. Hiện nay, vài tháng mới có thương lái đếnđặt hàng, trung bình từ 5 đến 20 sản phẩm/đơn hàng, lợi nhuận thu được chỉ đạt 200-500 nghìn đồng/đơn.

Đến nay, cả xóm chỉ còn khoảng 6/53 hộ dân (chiếm gần 11%) còn duy trì nghề MTĐ. Trước thực trạng làng nghề hoạt động không hiệu quả, ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng xóm Phú Yên, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề MTĐ chia sẻ: Được sự quan tâm của chính quyền các cấp và Hiệp hội Làng nghề tỉnh, chúng tôi đã được tham gia tập huấn và đi học tập kinh nghiệm tại một số làng nghề khác để hướng tới đa dạng hoá sản phẩm. Tuy nhiên, khi vận động nhân dân học nghề để thay đổi cách làm thì gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, lực lượng ở nhà chủ yếu là người già, trung tuổi nên khả năng tiếp thu cách làm mới còn hạn chế. Mặc dù, làng nghề chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng nhưng bản thân tôi vẫn mong muốn giữ làng nghề.

Còn theo ông Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Mặc dù, hiện nay, hoạt động của làng nghề MTĐ đang gặp phải nhiều khó khăn nhưng huyện sẽ tiếp tục tìm giải pháp để có định hướng duy trì và phát triển làng nghề này. Bởi lẽ, hiện nay, nước ta đang kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa nên những mặt hàng MTĐ có thể sẽ được ưa chuộng trong tương lai gần. Vì vậy, thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện khảo sát và nắm bắt nguyện vọng của người dân để tìm ra hướng đi hiệu quả.

Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn quy định: “Nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống sau khi được công nhận không đạt tiêu chí quy định sẽ bị thu hồi bằng công nhận…”. Với gần 11% trong tổng số hộ dân còn sản xuất MTĐ theo mùa vụ thì làng nghề MTĐ ở xóm Phú Yên không đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Trước thực tế này, chính quyền địa phương cần có định hướng rõ ràng cho người dân đối với việc tiếp tục duy trì hoạt động hay tính đến phương án trả lại Bằng công nhận.