Tháng 9, trên nhiều tờ báo và các trang mạng xã hội đăng tải dày đặc thông tin về Kiện tướng cờ vua thế giới Nguyễn Thiên Ngân, học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục - Thể thao tỉnh. Ngân mới cùng đội tuyển Quốc gia tham dự Giải vô địch trẻ thế giới Cờ Vua nhanh và Cờ chớp nhoáng được tổ chức tại Tây Ban Nha trở về với thành tích 2 Huy chương Vàng. Cũng lúc này, người Thái Nguyên tự hào, nhắc nhớ đến Nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương - vận động viên chạy nước rút ở cự ly ngắn đầu tiên của Việt Nam giành Huy chương Vàng châu Á. Rồi Nguyễn Ngọc Thành, vận động viên karatedo vô địch châu Á với nhiều Huy chương Vàng tại các mùa seagames 24, 25. Nhưng ít ai biết được các vận động viên (VĐV) đã, và đang tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa thực đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vì đam mê và danh dự cá nhân, tập thể, nên các VĐV ở tất cả các bộ môn thể thao đã vì đam mê, vì danh dự cá nhân và tập thể, khắc phục khó khăn để tập luyện và sẵn sàng tham gia thi đấu hết mình.
Hiện thiết chế thể thao cấp tỉnh có Trung tâm Thể dục - Thể thao; Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao; Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục - Thể thao và Sân Vận động, nhưng hầu hết đều ở tình trạng xuống cấp.
Để có thông tin đầy đủ hơn, chúng tôi đến thực tế tại các đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Bằng mắt thường cũng nhận thấy các thiết chế thể thao này ở tình trạng xuống cấp, trang thiết bị phục vụ cho huấn luyện viên, VĐV tập luyện, thi đấu thiếu thốn. Ngay như Sân Vận động tỉnh, trừ 3 ngày Tết Nguyên đán thì hầu hết các ngày trong năm đều được sử dụng hết công năng, như việc tập luyện cho đội bóng đá nữ, chạy điền kinh, bóng chuyền và VĐV các bộ môn khác đến tập luyện sức bền thể lực.
Đứng ở khán đài A, một huấn luyện viên chia sẻ với chúng tôi: “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương thành danh từ luyện tập ở đường chạy trên sân này. Bấy giờ là đường chạy trải xỉ than, gần đây, đường chạy trải thảm bê tông nhựa, sẽ rất tốt cho việc các đoàn tham gia diễu hành biểu dương lực lượng khi tỉnh, T.P Thái Nguyên tổ chức Đại hội Thể dục thể thao, hoặc mít tinh chào mừng các ngày lẽ lớn của đất nước. Nhưng cũng đường chạy trải nhựa áp phan này sẽ bất lợi cho VĐV, thậm chí VĐV chưa thành tài đã thành tật vì bị hỏng khớp xương đầu gối.
Đến trung tâm thể dục - Thể thao, chúng tôi thấy, Nhà làm việc của Trung tâm, đồng thời là nhà ký túc xá cho VĐV nhìn từ bên ngoài đã thấy xuống cấp, nhiều vị trí tường nhà bị nứt vỡ. Một số phòng ở dành cho VĐV thấy nước mưa thấm loang lổ trên vách tường, nước dột từ trên mái xuống; hệ thống điện, nước, khu vệ sinh tạm bợ. Đến khu nhà tập luyện, ông Phạm Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Nhà tập luyện rộng 448m2 được tỉnh đầu tư, đưa vào sử dụng từ năm 2018. Các bộ môn võ, vật được xếp lịch tập luyện phù hợp, tránh trùng giờ, song thảm tập đều đã quá cũ.
Dù sao thì cũng khá hơn so với bộ môn cử tạ. Tôi nghĩ như thế vì chứng kiến các VĐV cử tạ đang dốc sức tập luyện trong ngôi nhà ghép tạm rộng 20m2, cũ kỹ ngay cổng ra, vào sân vận động. Tiện có cửa ngách bên hông ngôi nhà tạm này, chúng tôi vào Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao tỉnh. Tôi thực sự ngạc nhiên, vì nơi ươm mầm những tài năng thể thao rất khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho VĐV. Nhiều gian phòng làm việc của Trường bị nứt tường; kho phục vụ công tác bảo quản trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn không có… Trong lúc đưa chúng tôi đến thăm khu nhà ký túc xá học sinh, thầy Phạm Văn Phong, Hiệu trưởng Nhà trường nói thẳng thắn: Học sinh của chúng tôi đang tập luyện trên nền sân bê tông và trong gầm khán đài A sân vận động. Biết là sân bê tông dễ gây chấn thương cho VĐV; gầm khán đài A chật hẹp, ẩm mốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, song phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác.
Ký túc xá đây rồi. Đó là ngôi nhà 4 tầng, tổng diện tích khoảng 650m2, gồm có 12 phòng, nhưng là chỗ ở của 120 học sinh. Nhìn khắp lượt từng phòng, cảm giác chật trội, ngột ngạt mùi ẩm mốc, dù mỗi ngày học sinh từng phòng đều cắt cử nhau trực nhật. Thiếu phòng tập, đài tập, đồ dùng tập luyện cũng không đủ, như bộ môn Cầu lông, 1 học sinh được ½ quả cầu cho 1 ngày tập; bộ môn cử tạ thiếu đòn tạ. Các bộ môn: Boxing, Bóng chuyền, Karatedo, Cờ vua… thiếu giáo viên. Một yếu tố quan trọng đối với VĐV là thể chất. Các nhà chuyên môn luôn quan tâm tới việc này, nhưng khi đến khu nhà ăn của Trường, chúng tôi thấy những bàn, ghế xếp dưới ngôi nhà giống một lán tạm. Và lụi cụi mấy chị cấp dưỡng đang nhặt rau, thổi nấu ở phần đất bỏ trống giữa bờ tường rào của Trường và ngôi nhà cạnh đó. Khó khăn là thế, nhưng thầy, trò của Trường luôn lập được thành tích cao trong thi đấu.
Chia tay thầy, trò Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao, chúng tôi đến Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu Thể thao tỉnh. Từ ngoài sân đã có thể nhìn thấy sự xuống cấp của Nhà thi đấu. Ông Đào Minh Giang, Giám đốc Trung tâm cho biết: Công trình Nhà thi đấu sau 17 năm khai thác đã xuống cấp, hệ thống điện ngầm, đèn chiếu sáng, thiết bị âm thanh không còn bảo đảm an toàn. Mái nhà bị cong vênh, trời mưa phải dùng xô, chậu hứng nước. Hiện thảm sàn thi đấu bong tróc, hệ thống phòng cháy, chữa cháy không còn sử dụng được…
Trước thực trạng trên, để thể thao của tỉnh phát triển xứng tầm, chúng tôi mong rằng các cấp, ngành của tỉnh nên quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho VĐV tập luyện.