Thành lập từ năm 2014, đến nay Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ công giáo giúp nhau làm kinh tế giỏi xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) đã trở thành “Ngôi nhà chung” giúp chị em đồng bào công giáo vươn lên làm giàu, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Chi hội Phụ nữ xóm Hồng Thái 2 có 200 hộ dân, trong đó 80% là đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo. Năm 2014, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã xây dựng CLB Phụ nữ công giáo giúp nhau làm kinh tế giỏi tại đây, đời sống của các hội viên còn khó khăn, nhận thức của chị em còn hạn chế. Nhiều chị ngại tham gia hoạt động xã hội, chủ yếu chỉ lo việc nhà, việc đạo, do vậy việc triển khai mô hình gặp không ít khó khăn. Chị Tạ Thị Hoàn, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ công giáo giúp nhau làm kinh tế giỏi chia sẻ: Để duy trì hoạt động của CLB, mỗi tháng chúng tôi sinh hoạt một lần, tổ chức các buổi sinh hoạt theo nhóm đạo; tổ chức cho chị em đi tham quan, học hỏi mô hình của các đơn vị bạn để gắn kết, cũng như lồng ghép tuyên truyền nâng cao kiến thức.
Cùng với đó, CLB giúp đỡ hội viên thoát nghèo, làm giàu bằng nhiều cách, như: Chia sẻ kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè; hỗ trợ ngày công lao động, vốn vay với hội viên có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, giúp đỡ hội viên những lúc ốm đau, bệnh tật, ma chay, cưới hỏi… Xác định cây chè là cây mũi nhọn để vươn lên, CLB đã tập hợp chị em cùng trồng và chế biến chè để hợp tác cùng nhau làm giàu. Tham gia CLB, các thành viên được cung cấp kiến thức và kỹ năng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP; nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các hộ đã thành công trong sản xuất chè an toàn, thu được hiệu quả kinh tế trong vùng; hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động... Ngoài ra, các thành viên trong CLB cũng được vay tiền từ quỹ tiết kiệm của chi hội và vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Mỗi năm có từ 15 đến 20 lượt chị em được vay với số tiền từ 5 - 45 triệu đồng để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, các chị em hào hứng đăng ký vào CLB, từ vài thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã tăng lên 35 thành viên. Chị Dương Thị Hằng, tham gia CLB được gần 5 năm nay cho biết: Nhà tôi có 1 mẫu chè. Tham gia CLB, tôi được giúp đỡ rất nhiều về cách chăm sóc, chế biến chè để đạt hiệu quả cao. Nhờ được hướng dẫn sản xuất chè an toàn, hiện nay, tôi đã biết tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn để ủ thành phân hữu cơ thay vì sử dụng phân bón hóa học như trước kia. Gia đình tôi cũng dần thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học bằng thuốc thảo dược và sinh học.
Nhờ triển khai các hoạt động hiệu quả, CLB đã giúp chị em phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện CLB không có hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 95%. Nhiều hộ dân có chủ hộ là phụ nữ sinh hoạt trong CLB đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm chè, thu nhập trung bình từ 200-400 triệu đồng/năm. Đơn cử như Hợp tác xã chè Minh Thu; các cơ sở: Ngoãn Hương, Hằng Hồng, Thanh Mưu, Tiến Yên. Chị Hà Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Cương cho biết: CLB Phụ nữ công giáo giúp nhau làm kinh tế giỏi ở xóm Hồng Thái 2 không chỉ giúp nâng cao đời sống hội viên, mà còn là “ngôi nhà chung” để các chị em chia sẻ những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, CLB cũng góp phần thu hút chị em tích cực tham gia sinh hoạt Hội và các hoạt động xã hội khác. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành để CLB phát huy hiệu quả hơn nữa.