Yên Trạch chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân

09:49, 28/09/2019

Yên Trạch là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương. Những năm qua, nhằm nâng cao đời sống người dân, xã đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 6 lần so với năm 2010.  

Xã Yên Trạch có trên 1,7 nghìn hộ dân với hơn 6,8 nghìn nhân khẩu, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 92%. Năm 2011, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, xã Yên Trạch có xuất phát điểm thấp nhất trên địa bàn huyện, với 3/19 tiêu chí đạt, số hộ nghèo là 927 hộ (chiếm tỷ lệ 62,5%); thu nhập bình quân chỉ đạt 4,2 triệu đồng/người/ năm. Ông Ma Văn Tý, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM, chúng tôi thấy tiêu chí thu nhập là khó thực hiện nhất. Bởi lẽ, chỉ tiêu trong tiêu chí thu nhập ngày càng tăng theo từng năm. Trong khi đó, Yên Trạch là xã thuần nông; điều kiện tự nhiên khó khăn, chủ yếu là đồi núi; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao... nên nhận thức làm kinh tế của đa số nhân dân còn hạn chế, mức thu nhập còn thấp, chưa ổn định. 

Xác định thu nhập là tiêu chí quan trọng nhất trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, tư vấn nghề nghiệp để định hướng công việc cho nhân dân. Trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm, xã phối hợp tổ chức được 3 phiên giao dịch việc làm và buổi tư vấn, tạo việc làm cho 160 đến 180 lao động. Hiện, toàn xã có hơn 700 lao động đang làm việc tại các công ty trong, ngoài tỉnh và đi xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, xã cũng chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng. Năm 2017, UBND xã đã xây dựng chương trình “Phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi”. Theo đó, hằng năm, người dân đã được tiếp cận với nguồn hỗ trợ của dự án “Trồng rừng sản xuất tập 
trung theo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững”; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật… để phát triển kinh tế đồi rừng. Từ năm 2017 đến nay, xã đều phối hợp với một số đơn vị, hội, đoàn thể tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng; nhiều hộ dân được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và tiền chăm sóc. Hiện nay, hơn 95% số hộ dân trên địa bàn tham gia phát triển kinh tế rừng, với hơn 1.700ha rừng sản xuất và 29 cơ sở chế biến gỗ. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn 135, xã đã chú trọng đầu tư mua giống trâu, bò, dê để hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển chăn nuôi. Ông Vũ Quang Hồng, xóm Bản Cái cho biết: Rừng là nguồn lợi đem lại thu nhập chính cho gia đình tôi. Hiện, chúng tôi đang có 4ha rừng keo. Đến năm 2017, sau hơn 8 năm chăm sóc, gia đình thu hoạch được hơn 1ha, thu gần 100  triệu đồng. Từ nguồn thu này, chúng tôi đã sửa sang nhà kiên cố, mua sắm thêm nhiều vật dụng, thiết bị trong gia đình… Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo. 

Bằng những biện pháp của xã Yên Trạch trong thời gian qua, nhận thức và cách làm kinh tế của bà con đã có sự thay đổi tích cực, đời sống ngày càng được cải thiện. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 375 hộ (khoảng 21,94%). Tuy nhiên, mức thu nhập trên vẫn còn thấp hơn mức đạt chuẩn NTM trong năm 2018 là 29 triệu đồng/người/năm. Với mục tiêu về đích NTM vào năm 2021, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chú trọng phát triển các mô hình kinh tế; quan tâm giải quyết việc làm; triển khai các chương trình hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập; tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi... Từ đó giúp người dân có thêm điều kiện sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.