Bảo vệ và phát triển dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người

16:22, 14/10/2019

Ngày 14-10, tại T.P Thái Nguyên, Ủy ban Dân tộc Chính phủ (UBDT) phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến dự thảo Đề án “Bảo vệ và phát triển dân tộc thiểu số, đặc biệt dân tộc dưới 10 nghìn người theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc” (gọi tắt là Đề án). Đồng chí  Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Chính phủ chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện một số bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia tư vấn độc lập; lãnh đạo các sở, ban, ngành 13 tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có số dân dưới 10 nghìn người sinh sống và các đại biểu thuộc DTTS rất ít người của tỉnh.

Việc xây dựng Đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 137-NQ/CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TQ  ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các DTTS rất ít người cả về số lượng để nâng cao chất lượng dân số. Đề án sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2020-2030, chú trọng vào địa bàn 13 tỉnh, trong đó có Thái Nguyên. Theo dự thảo Đề án, ở nước ta hiện nay có 16 DTTS thuộc nhóm rất ít người, trong đó, tỉnh ta có cộng đồng dân tộc Ngái với 625 người, cư trú ở 80 thôn, xóm của 48 xã, thị trấn thuộc diện đối tượng được thụ hưởng Đề án.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp 16 ý kiến đối với các nội dung thuộc Đề án, như: Tên gọi, bố cục, số liệu điều tra về thực trạng các DTTS rất ít người, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án, đặc biệt là nguồn lực tài chính thực hiện... 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Chính phủ Y Thông yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu các nội dung: Rà soát, đối chiếu lại tên gọi của Đề án, thống nhất dùng chung một cụm từ cho phù hợp; rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để bổ sung, cập nhật những điểm chưa phù hợp; xây dựng báo cáo tác động của Đề án này đối với các chương trình, đề án khác; nghiên cứu xây dựng đưa các các mô hình theo đặc thù từng dân tộc, từng địa phương...