Chăm lo lợi ích để “giữ chân” người lao động

07:00, 26/10/2019

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (viết tắt là Công ty TDT) đứng chân trên địa bàn xã Điềm Thụy (Phú Bình) là doanh nghiệp chuyên may hàng xuất khẩu. Những năm gần đây, Công ty gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực do có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử trên địa bàn, phải cạnh tranh khá gay gắt về lực lượng lao động. Vì vậy, Công ty luôn phải quan tâm chăm lo lợi ích để “giữ chân” người lao động.  

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TDT cho biết: Nguồn nhân lực là thứ tài nguyên rất quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của bất cứ DN nào. Khi quyền lợi và đời sống của người lao động được bảo đảm, họ sẽ tin tưởng, yên tâm gắn bó với DN. Đối với các DN trong ngành may mặc trên địa bàn tỉnh hiện nay thì việc “giữ chân” người lao động càng có ý nghĩa sống còn, bởi đang có sự cạnh tranh khá gay gắt về nguồn lao động phổ thông khi các dự án trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều. Vì vậy, từ khi đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty TDT luôn thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật cũng như những cam kết với người lao động (như: Trả lương, tăng lương đúng hẹn, áp dụng một số hình thức trợ cấp, đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động...). Đồng thời, lãnh đạo Công ty thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả, quan tâm xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hài hòa, đáp ứng các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động. 

Được biết, thời gian qua, Công đoàn Công ty TDT luôn chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác bảo hộ lao động trong đơn vị, bảo đảm tất cả người lao động vào làm việc tại Công ty đều được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo luật định. Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong Công ty, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công nhân viên (CBCNV) hiểu và nắm được những quy định của đơn vị cũng như các chế độ, quyền lợi mà người lao động được hưởng. Về các hoạt động xã hội và chăm lo đời sống của CBCNV, Công đoàn Công ty chú trọng tổ chức thực hiện tốt việc tặng quà Tết cho CBCNV; quan tâm động viên những gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa bão; chăm lo đến bữa ăn ca của người lao động (đặc biệt là với những người có chế độ ưu tiên, như phụ nữ mang thai); tham gia cải thiện điều kiện làm việc tại các phân xưởng; phối hợp tổ chức đối thoại định kỳ và hội  nghị người lao động; thường xuyên thăm hỏi, động viên  CBCNV và thân nhân của họ trong những lúc ốm đau, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Tính riêng qua 9 tháng của năm nay, Công đoàn Công ty đã chi thăm hỏi ốm đau trên 63 triệu đồng; chi trợ cấp, phụ cấp trên 127 triệu đồng; chi thưởng Tết dương lịch, Tết âm lịch, các dịp nghỉ lễ cho CBCNV với tổng số tiền trên 965 triệu đồng... Thông qua những hoạt động này góp phần đem lại niềm vui, sự phấn khởi, gắn bó trong đội ngũ CBCNV, từ đó khối đoàn kết trong Công ty được củng cố, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt nhiều kết quả khả quan, số lượng công nhân lao động tham gia tổ chức Công đoàn ngày càng đông hơn (hiện nay đạt 100%), hoạt động có chất lượng hơn...

Đáng lưu ý, Ban Giám đốc và Công đoàn Công ty TDT cũng luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các CBCNV nỗ lực sáng tạo, áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất nhằm góp phần giảm nhân công và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống máy móc thiết bị. Anh Hà Mậu Quang, công nhân thuộc Tổ lập trình cho biết về một thí dụ cụ thể: Bản thân tôi vào làm việc tại Công ty từ năm 2013. Trước đây, hầu hết các công đoạn may phải làm bằng tay, để may được chỉ dọc của 1 chiếc áo phao thì cần đến 3 công nhân và mất khoảng 6-7 phút mới hoàn thành 1 sản phẩm (mỗi ngày, 3 người chỉ may được gần 400 sản phẩm). Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi máy may bán tự động do các kỹ sư trong Công ty nghiên cứu cải tiến được đưa vào sản xuất, việc may chỉ dọc của áo phao được làm hoàn toàn bằng máy, do vậy đã tiết kiệm được một nửa thời gian và giảm 2 lao động trong cùng một công đoạn. Nhờ đó, lương tháng của các công nhân trong bộ phận này đã tăng hơn 2 triệu đồng/ tháng so với trước đây...

Xác định công tác thi đua là động lực quan trọng để khuyến khích, động viên CBCNV tích cực lao động sản xuất, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế của đơn vị, Công đoàn Công ty đã phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua và thu được những kết quả khả quan, điển hình như: Thi đua hoàn thành kế hoạch sản xuất hằng tháng, thi đua sản xuất chào mừng Tháng công nhân, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 hằng năm... Nhờ đó, quá trình sản xuất, kinh doanh của Công ty đạt kết quả, hiệu quả ngày càng cao hơn. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Công ty đạt 18,3 triệu USD (tăng 40,7% so với năm 2017); lợi nhuận trước thuế đạt 21 tỷ đồng (tăng 55,5%); thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,8 triệu đồng/ người/tháng (tăng 9,6%). Qua 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 25,4 triệu USD (tăng 39% so với cùng kỳ năm trước); trên 990 lao động trong đơn vị có việc làm thường xuyên, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, mức thu nhập bình quân đạt gần 7,3 triệu đồng/người/tháng (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018). Cũng trong 9 tháng qua, Công ty đã đầu tư thêm 30 tỷ đồng phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm việc làm, đời sống, “giữ chân” người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị...