Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh Thái Nguyên giải quyết việc làm tăng thêm cho khoảng 20.000 lao động. Đạt được kết quả này là nhờ vào các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong việc tạo điều kiện để người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu kết nối trực tiếp với nhau. Trong đó, có đóng góp không nhỏ của các phiên giao dịch việc làm lưu động.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Trung bình mỗi năm, Trung tâm thực hiện từ 60-100 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, ngoài phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh được tổ chức vào đầu mỗi năm, Trung tâm đã đẩy mạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm quy mô cấp huyện, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, phường, thị trấn. Qua đó, tạo môi trường để trên 500 lượt doanh nghiệp trực tiếp tham gia phỏng vấn tuyển lao động tại các phiên giao dịch này và hơn 1.000 doanh nghiệp tuyển dụng lao động theo hình thức ủy thác. Thông qua các phiên giao dịch việc làm lưu động, công tác truyền thông, thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận gần hơn với người dân ở cấp xã, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa. Qua đó, nhiều người lao động đã biết đến và đăng ký tìm kiếm cơ hội việc làm, nhiều công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động đã tìm kiếm được ứng viên phù hợp.
Được biết, bình quân tại mỗi phiên giao dịch việc làm lưu động có khoảng 15-20 doanh nghiệp, trường dạy nghề tham gia tuyển dụng trực tiếp và cung cấp thông tin thị trường lao động. Trung bình mỗi phiên giao dịch thu hút từ 500 - 1.000 lao động tham gia tìm hiểu thông tin việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động. Trong 9 tháng năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phối hợp tổ chức trên 40 phiên giao dịch việc làm lưu động thu hút gần 23.000 người tham gia.
Để tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm lưu động, ngay từ đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phối hợp với các địa phương lựa chọn các xã, phường, thị trấn, trong đó, ưu tiên các xã có mục tiêu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Căn cứ vào kết quả điều tra cung - cầu lao động hàng năm, Trung tâm tiến hành nắm bắt xu hướng tìm kiếm việc làm phù hợp với người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có kế hoạch để tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như chủ động kết nối với Trung tâm để tham gia các phiên giao dịch việc làm. Sau khi xác định được địa điểm tổ chức phiên giao dịch lưu động, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, thông tin về các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tại địa phương đến người dân.
Bà Hoàng Như Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng (Võ Nhai) thông tin: Đối với những xóm nằm xa trung tâm xã, chúng tôi phải cử cán bộ đến từng nhà để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về chính sách giải quyết việc làm của Đảng, Nhà nước. Đồng thời vận động, hướng dẫn họ tìm kiếm thông tin về việc làm dựa trên trình độ, giới tính, hoàn cảnh gia đình. Từ đó, định hướng cho người dân trước khi tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động. Nhờ vậy, thông qua các phiên giao dịch, mỗi năm tại xã đã có hàng chục người tìm được việc làm mới. Chị Hoàng Thị Hà, xóm Làng Chàng, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) bộc bạch: Thông qua phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại xã, tôi được Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG tiếp nhận, dạy nghề may và tuyển dụng vào làm việc với mức lương trên 6 triệu đồng/tháng cùng các chế độ đãi ngộ, như: Bảo hiểm xã hội, bữa ăn ca, thai sản… Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn.
Có thể khẳng định, các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, phường, thị trấn đã giúp người lao động kết nối, tìm kiếm được công việc phù hợp với khả năng, trình độ và nguyện vọng. Đồng thời, giúp người dân không phải mất thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là người lao động ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Không những vậy, trong bối cảnh nhu cầu về tuyển dụng lao động lớn như hiện nay, các phiên giao dịch này còn giúp doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với người lao động, tăng cơ hội cạnh tranh trong thị trường lao động.