Giá thịt lợn tăng - Bữa ăn thêm khó

07:43, 30/11/2019

Trước việc thịt lợn tăng giá liên tục trong thời gian qua, nhiều bếp ăn tập thể chịu tác động trực tiếp, khiến bữa ăn thêm khó. Các đầu bếp, cấp dưỡng “quay cuồng” tìm kiếm thực phẩm thay thế để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng của mỗi bữa ăn.

Từ tháng 9 đến nay, giá thịt lợn trên thị trường liên tục tăng từ 65.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg và đến thời điểm này là 130.000 đồng/kg. Thịt lợn tăng giá, đồng nghĩa với chi phí cho bữa ăn phát sinh tăng lên so với trước, nhưng định suất chi phí cho khẩu phần ăn tại một số bếp ăn tập thể không thay đổi, nên mỗi bữa ăn bị ảnh hưởng trực tiếp từ khâu nội trợ đến người ăn.

Chị Lê Thị Hồng Hạnh Giang, nhân viên phụ trách bếp ăn tập thể tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh cho biết: Trung tâm có 72 suất ăn 3 bữa thường xuyên hàng ngày cho cả người già và trẻ em thuộc diện bảo trợ xã hội và 100% là người nghèo khó, nhiều đối tượng không nơi nương tựa, cô đơn… Vào ngày trong thực đơn ăn thịt lợn, nhà bếp nhập bình quân 16kg thịt, đó là thời điểm giá thịt còn là 65.000 đồng/kg (tháng 8-2019). Nay giá thịt đã lên 130.000 đồng/kg thì đơn vị chỉ dám nhập khoảng 10 kg/ngày, còn lại chuyển sang mua thịt gà, trứng gà, trứng vịt, cá… Nhưng thực tế thịt lợn tăng giá lập tức các sản phẩm này cũng leo thang. Ví dụ như: Thịt gà thời điểm tháng 9-2019 là 60.000 đồng/kg, thì nay đã lên 75.000 đồng/kg.  Còn rau thì vào mùa lạnh thường khan hiếm và ít chủng loại. Trên thực tế thực phẩm tăng giá, nhưng định suất Nhà nước cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội vẫn giữ nguyên như từ đầu năm, không thay đổi. Chính vì vậy, việc chế biến rất khó khăn, nhất là khâu “săn lùng” lựa chọn thực phẩm thay thế mà vẫn bảo đảm chi phí và chế độ dinh dưỡng. Khoảng hơn một tháng trở lại đây, các bữa ăn sáng bún, mỳ… đã thưa dần vì không thể đủ thịt, nên nhà bếp chuyển mua bánh cuốn, bánh mỳ, bánh bao, hoặc mỳ tôm túi to, loại không đóng gói đơn… 

Những khó khăn tương tự cũng ảnh hưởng đến hoạt động của Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh. Với gần 250 suất ăn hàng ngày cho học sinh khuyết tật, mà phần lớn thuộc diện hoàn cảnh gia đình khó khăn đến đây học tập, nên việc chăm sóc của Nhà trường cũng gặp không ít khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Đặc thù của Trường là nuôi dạy học sinh đang độ tuổi phát triển, nên bữa ăn lúc nào cũng phải đầy đặn. Nhưng “bão giá” thịt lợn đã ảnh hưởng nhiều đến công việc chăm sóc học sinh. Mỗi ngày các em được ăn 28.000 đồng/ người, trong đó bữa sáng 5.000 đồng, bữa trưa và chiều tối mỗi bữa là 11.500 đồng. Khi giá thịt lợn tăng từ 70.000 đồng/kg lên trên 130.000 đồng/kg, Trường đã phải giảm lượng thịt nhập vào hàng ngày từ 25kg, xuống còn 17kg, thay thế vào đó là đậu phụ, trứng, cá biển… Còn chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, phụ trách nuôi dưỡng và nhà bếp thì tâm sự: “Để “co kéo” trong định mức, nhà bếp phải chế biến bằng cách tăng lượng nước khi sốt thịt, tăng lượng đậu phụ, cà chua. Đặc biệt là không còn chế biến món thịt lợn rang xém cạnh, vì rất hao… Hàng tuần, Trường được Câu lạc bộ hảo tâm của các tăng ni, phật tử ở các chùa trong thành phố đến hỗ trợ phát quà bánh, kẹo… cho các cháu ăn thêm buổi tối cũng đỡ một phần khó khăn”. 

Đối với khu vực miền núi, vùng cao thì bữa ăn thời “bão giá” thịt lợn càng trở nên khó khăn hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ) không giấu được lo lắng: Trường có gần 100 suất ăn cho học sinh bán trú tiểu học, mỗi ngày nhà bếp nhập 15kg thịt lợn khi giá còn là 65.000 đồng/kg, nay chỉ còn nhập 10 kg/ngày. Ở vùng cao, gà ta nuôi trong các hộ dân nhỏ lẻ quanh Trường giá cũng cao từ 120.000 - 140.000 đồng/ kg, còn gà nuôi trang trại thì lại mất công chi phí vận chuyển từ vùng thấp lên, nên giá thành cũng bị đội cao. Để bảo đảm bữa ăn hàng ngày không bị teo tóp, nhất là cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, Nhà trường phát động nhân viên, cán bộ và giáo viên phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh tìm nguồn thực phẩm, nhất là lợn thịt tại địa phương để lo bữa ăn hàng ngày cho học sinh. Như vậy sẽ giảm chi phí vận chuyển và mua tận gốc, giá sẽ thấp hơn khi ra chợ. Ngoài ra, Nhà trường khuyến khích thu mua thực phẩm của nhân dân địa phương, như trứng, cá, rau xanh…”.

Có thể nói, thịt lợn tăng giá đã tác động mạnh đến các bếp ăn tập thể cả về giá, chất lượng. Thực tế từ các bếp ăn phục vụ đối tượng người nghèo và hoàn cảnh khó khăn cho thấy, giá thịt lợn tăng đã kéo giá một số thực phẩm khác tăng theo và dự báo sẽ có sự leo thang theo sự tăng giá của thịt lợn trong thời gian tới. Các giải pháp thay thế đã và đang được các bếp ăn này vận dụng chỉ là giải pháp mang tính tình thế và ngắn hạn. Chính vì vậy, rất cần sự quan tâm chung tay của cộng đồng xã hội và các chính sách của Nhà nước.