Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã và đang là một giải pháp được nhiều người dân quan tâm tìm hiểu, lựa chọn nhằm cải thiện kinh tế. Thời gian qua, kết quả hoạt động XKLĐ đem lại cho người tham gia nói riêng và xã hội nói chung đã rõ ràng. Tuy nhiên, do có tính chất đặc thù, hoạt động này luôn cần được quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người lao động và nâng cao hiệu quả.
Theo thống kê của sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có gần 14.000 người đi lao động có thời hạn tại nước ngoài theo con đường hợp pháp. Số lượng lao động xuất khẩu của tỉnh thấp hơn so với các tỉnh lân cận và có xu hướng giảm nhẹ. Lý giải điều này, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng: Nhiều tỉnh có cơ chế hỗ trợ riêng cho người tham gia XKLĐ trong khi tỉnh ta chỉ triển khai chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Cùng với đó, tỉnh ta là địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động XKLĐ, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp hoạt động kiểu chộp giật, vi phạm khi đưa người đi lao động ra nước ngoài.
Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 3 doanh nghiệp đủ các điều kiện pháp lý, có văn bản đề nghị các cấp, ngành tạo điều kiện, phối hợp tuyển chọn người đi lao động ở nước ngoài (trong đó 1 doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh). Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xác minh các thông tin về doanh nghiệp: Hồ sơ pháp lý; các khoản thu, mức thu dịch vụ với người lao động theo quy định của Nhà nước; một số cam kết của doanh nghiệp… Nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện đó, sở sẽ thông báo và đề nghị các cấp phối hợp, tuyên truyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển chọn lao động. Tuy nhiên, ngoài 3 doanh nghiệp XKLĐ đủ điều kiện pháp lý, có đăng ký tuyển lao động đi xuất khẩu tại tỉnh, trên địa bàn còn có rất nhiều văn phòng đại diện của các công ty XKLĐ. Đại diện sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng không nắm rõ số lượng và rất khó quản lý, giám sát hoạt động của các văn phòng này. Đồng thời, tình trạng tuyển chọn lao động xuất khẩu thông qua nhiều khâu trung gian, môi giới, “cò mồi” vẫn diễn ra. Người lao động đi theo con đường “cò mồi” thường phải chịu mức phí cao hơn quy định của Nhà nước và đối diện với nhiều rủi ro tiềm ẩn. thời gian gần đây, sở đã nhận được không ít phản ánh của người dân về việc các doanh nghiệp XKLĐ không thực hiện đúng cam kết về mức thu, việc làm và thu nhập, thiếu minh bạch thông tin; đã kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xử lý một vài trường hợp vi phạm như vậy.
Ông Hồng Sỹ Tùng, Giám đốc Công ty TNHH hợp tác quốc tế Thái Việt (doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh được cấp phép XKLĐ) chia sẻ: Nhiều lao động muốn đi làm việc tại nước ngoài chọn cách hoặc phải thông qua môi giới, bởi họ thiếu thông tin và cách thức tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp. Trong khi đội ngũ môi giới, “cò mồi” thường có nhiều chiêu trò dụ dỗ người dân. XKLĐ thông qua cách này, người tham gia phải đóng phí cao hơn quy định, thường thì lúc đầu đối tượng cò mồi hứa hẹn mức giá thấp sau đó thu thêm nhiều khoản “phát sinh”, việc làm, thu nhập sau khi ra nước ngoài cũng thường không đúng như “cam kết”… Được biết, Công ty TNHH hợp tác quốc tế Thái Việt được Bộ Lao động cấp phép XKLĐ tháng 4-2019. Hiện, doanh nghiệp này đang kiên trì thông qua nhiều hình thức, nhất là các cấp chính quyền, hội đoàn thể để tiếp cận, tuyên truyền trực tiếp tới những người có nhu cầu XKLĐ. Ông Hồng Sỹ Tùng nói: Chúng tôi xác định như vậy sẽ ít lợi nhuận nhưng bền vững, an toàn cho người lao động.
Ngoài số lượng người XKLĐ hợp pháp như chúng tôi nêu ở trên, tại một số địa phương trong tỉnh những năm gần đây có khá nhiều người đi lao động trái phép tại nước ngoài, chủ yếu là trung Quốc. Riêng tại huyện Võ Nhai, năm 2016 có đến hơn 1.000 lượt người xuất cảnh trái phép sang trung Quốc làm ăn. Thiếu tá Lâm Thị Nhung, Đội phó Đội An ninh Công an huyện Võ Nhai cho biết: Có nhiều nguyên nhân nhưng những người đi lao động trái phép tại trung Quốc chủ yếu do muốn làm việc thời vụ, và họ cũng không đủ điều kiện hoặc không muốn trở thành công nhân tại các doanh nghiệp trong nước. Việc này có nhiều rủi ro mà chính những người trong cuộc không lường hết như: Bị bạo hành, ngược đãi, bắt giữ, quỵt tiền công… Để hạn chế tình trạng đó, cấp ủy, chính quyền huyện Võ Nhai đã có những chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền. Từ năm 2016 đến nay, Công an huyện đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền quy định về xuất nhập cảnh đến tận các xóm, bản cho gần 2.000 lượt người; mời chính những người là nạn nhân vì xuất cảnh trái phép đến tuyên truyền, kể lại những gì họ đã phải trải qua trong quá trình vượt biên trái phép và lao động tại Trung Quốc. Vì vậy, tình trạng người dân trên địa bàn xuất cảnh trái phép đã giảm mạnh.
Lựa chọn XKLĐ để nâng cao đời sống là nhu cầu chính đáng, tự quyết của người dân, Nhà nước cũng đã và đang có những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích hoạt động này. Tuy nhiên, để hoạt động XKLĐ đúng quy định, nâng cao hiệu quả và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người tham gia, các cấp, ngành liên quan cần quản lý chặt chẽ, tích cực tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến người dân những quy định của pháp luật và các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín.