Tổ hợp tác của những người lính năm xưa

10:53, 08/11/2019

Họ là những người lính từng xông pha trận mạc, giờ về địa phương tập hợp nhau lại để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, đóng góp công sức đáng kể xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.  

Có mặt tại gia đình ông Lê Quang Hải, Tổ trưởng Tổ hợp tác cựu chiến binh - cựu quân nhân (CCB-CQN) làm kinh tế giỏi, xóm Thác Lở, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) lúc 14 giờ như đã hẹn, tôi đã thấy các thành viên trong Ban điều hành Tổ hợp tác đang chờ sẵn bên bàn uống nước. Ông Hải dẫn tôi và các thành viên trong Ban điều hành Tổ hợp tác thăm khu vườn của gia đình ông. Với diện tích khu vườn rộng trên 7.000m2 được ông Hải bố trí xây dựng chuồng trại, quy hoạch trồng cây ăn quả, đào ao thả cá kết hợp thả ba ba và chăn nuôi gia cầm khá hợp lý. Ông Hải cho hay, từ mô hình V.A.C này, những năm gần đây, mỗi năm gia đình ông thu về gần 2 tỷ đồng.

Trở lại bàn uống nước, ông Hải và các thành viên Ban điều hành Tổ hợp tác có mặt tại đây hào hứng kể về hoạt động của Tổ hợp tác. Ông Hải hồi tưởng lại những ngày đầu manh nha hình thành Tổ hợp tác. Đó là vào đầu tháng 5-2014, ông và một số CCB khác suy nghĩ, xã có nhiều CCB sau khi chiến đấu trở về địa phương nhiều người không có chế độ, nhưng bù lại họ còn sức khỏe, lòng nhiệt huyết làm giàu, đất đai xung quanh lại rộng, phù hợp với phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Nếu tập hợp được những CCB cùng chí hướng để làm kinh tế thì sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp. Nghĩ là làm, ông Hải và một số thành viên đã tích cực vận động một số CCB vào Tổ hợp tác. Sau khi vận động được 18 hội viên, các hội viên bầu ra ban điều hành Tổ hợp tác để duy trì và phát triển mối quan hệ trong sản xuất cũng như quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Ban đầu vốn ít, các hội viên trong Tổ hợp tác đóng góp 500 nghìn đồng để gây vốn hoạt động chung. Còn đối với vốn để phát triển sản xuất, từng hội viên phải tự lo trang trải, gây dựng mô hình phát triển kinh tế của mình. Vì là hầu hết các mô hình sản xuất, kinh doanh đều chọn hướng đi phát triển cây trồng, vật nuôi, nên không tránh khỏi sự rủi ro do dịch bệnh hoặc mùa màng thất bát. 

Tuy nhiên với “chất lính” thắng không kiêu, bại không nản, những người lính năm xưa của Tổ hợp tác đã khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, xây dựng Tổ hợp tác vững mạnh. Nếu như ngày đầu mới thành lập, Tổ hợp tác chỉ có 18 hội viên, thì nay Tổ hợp tác đã có 21 hội viên. Vốn cố định của Tổ hợp tác là trên 24 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu của Tổ hợp tác đạt gần 14 tỷ đồng. Nhiều hội viên trở thành cá nhân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi như ông Ngô Văn Sơn, xóm Vải gây dựng trang trại chăn nuôi gà, lợn hiện có vốn cố định 8 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu trên 2 tỷ đồng. Ông cũng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi xuất sắc của tỉnh được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Đắc Suất, xóm Gò Chè trồng 600 trụ thanh long, hàng trăm gốc bưởi, thường xuyên chăn trên 3.000 con gà, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng; hay ông Lê Quang Hải luôn duy trì phát triển kinh tế VAC theo hướng sản xuất hàng hóa, năm 2018 doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng…

Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, các hội viên của Tổ hợp tác CCB-CQN làm kinh tế giỏi xã Cao Ngạn luôn vận động gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương. Các gia đình hội viên của Tổ hợp tác đều đạt gia đình văn hóa. Đặc biệt, với tinh thần lá lành đùm lá rách, hàng năm, Tổ hợp tác CCB-CQN làm kinh tế giỏi xã Cao Ngạn đã đóng góp, ủng hộ hàng trăm triệu đồng vào các loại quỹ, như: Quỹ Nhân đạo, Quỹ Nạn nhân chất độc da cam, xóa nhà dột nát, Quỹ Khuyến học; ủng hộ vào các hoạt động của xóm như: Tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi, sửa chữa nhà văn hóa, làm đường giao thông... Riêng trong năm 2018, các hội viên đã đóng góp gần 50 triệu đồng ủng hộ Quỹ Từ thiện.