Gạo nhập kho dự trữ quốc gia phải là gạo mới. Tùy thuộc vào tình hình sản xuất, thời vụ từng năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết định mua loại gạo (hạt dài hay hạt ngắn), tỷ lệ tấm, vùng miền sản xuất, thời vụ nhập kho phù hợp.
Đây là quy định tại Thông tư 78/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với gạo dự trữ quốc gia.
Thông tư cũng quy định về yêu cầu cảm quan. Cụ thể, màu sắc là: Màu trắng, đặc trưng cho từng giống, từng loại gạo và không bị biến màu. Mùi, vị: Có mùi thơm đặc trưng của từng giống, từng loại gạo; không có mùi, vị lạ.
Gạo không có tạp chất lạ, sạch cám, bề mặt hạt gạo bóng. Gạo nhập kho không bị nấm mốc, không có côn trùng sống và sinh vật hại nhìn thấy bằng mắt thường.
Giới hạn tối đa hàm lượng kim loại nặng cho phép như sau: Hàm lượng cadimi mức tối đa là 0,4 mg/kg, hàm lượng asen, mức tối đa là 1,0 mg/kg, hàm lượng chì mức tối đa là 0,2 mg/kg.
Gạo dự trữ quốc gia được đóng tịnh 50 kg/bao. Bao chứa gạo được dệt từ loại sợi Polypropylen (PP) màu trắng, đầu bao được may bằng hai đường chỉ trắng. Bao chứa gạo phải mới, bền chắc, khô sạch không mốc, không nhiễm sâu, mọt, hóa chất, không có mùi lạ; khối lượng một vỏ bao (120 ± 10) g…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020 và thay thế Thông tư số 205/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với gạo.
Đối với số lượng gạo nhập kho dự trữ quốc gia trước ngày Thông tư này có hiệu lực hiện đang lưu kho bảo quản thì tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 205/2011/TT-BTC ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với gạo.