Tay trong tay, hai người dắt nhau đi thăm họ mạc, bạn bè. Chút lãng mạn, phấn chấn của người đang yêu hiển hiện trên gương mặt. Thỉnh thoảng họ nhìn nhau bằng ánh mắt tình tứ. Không cần nói, bởi nụ cười họ dành cho nhau đủ để khơi lên ngọn lửa ái tình từng ấp ủ, bùng cháy lên từ mệnh lệnh của trái tim.
Hai người đang yêu ấy chưa bao giờ già. Ông là Hoàng Tú, 80 tuổi, ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Bà là Nguyễn Thị Thu Vân, 65 tuổi, ở T.P Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Không giống tình yêu trên phim ảnh, mà rất đời thực, không vồ vập, không vội vã, cứ âm ỉ cháy cho đến lúc 2 người “tự đổ” vào nhau, quyện làm một cặp trời sinh giữa sự tán dương của bao đồng đội cũ. Đó là vào những ngày trung tuần tháng 12-2018, Ban Liên lạc Cục Chính trị Quân khu 8 tổ chức gặp mặt ở T.P Mỹ Tho. Ông Tú, bà Vân đều là chiến sĩ của Quân khu 8 thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Bấy giờ, ông Tú 29 tuổi, đã tốt nghiệp Trường Sư phạm 7+2 Việt Bắc, từng làm cán bộ, giáo viên ở tỉnh rồi tình nguyện nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Ông nói vui: Ngày đó, tôi có tên trong danh sách đi học tập ở Liên Xô, song tôi ở lại, tình nguyện nhập ngũ. Mà ngày đó nếu tôi sang xứ sở Bạch Dương đầy tuyết trắng thì đã không có phước gặp được em Vân ở miền đất không có mùa Đông bây giờ.
Vẻ ngần ngại, bà Vân cầm tay ông Tú, bảo: “Bấy giờ anh Tú là “dân” tuyên huấn, còn tôi là “dân” văn phòng, nên gặp nhau hằng ngày...”. Vân nhập ngũ, vào rừng ở cùng Ban Chỉ huy Quân khu. Vân được các thủ trưởng giao cho làm giao liên, trực điện thoại rồi làm văn thư đánh máy. Do yêu cầu của mặt trận, đơn vị phải dời chuyển qua nhiều vùng đất khác nhau thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và bên nước bạn Cam Pu Chia. Năm 1972, ông Tú bị một mảnh đạn pháo găm vào đầu, đi viện dưỡng thương. Kể từ bấy giờ, hai người biền biệt xa cách. Vậy nhưng sau hơn 40 năm, họ đứng trước mặt nhau mừng mừng, tủi tủi. Kỷ niệm của một thời trẻ trung, hồn nhiên, vô tư ùa về, toàn chuyện ngày ở đơn vị năm xưa. Giữa bao đồng đội cũ, ông Tú, bà Vân và hàng chục CCB, như được sống lại những năm tháng gian khổ, thiếu thốn song đầy ắp tự hào.
Như một sắp đặt, Ban Liên lạc Cục chính trị Quân khu 8 giao nhiệm vụ cho bà Vân làm hướng dẫn viên du lịch cho ông Tú. Vậy là hai người có điều kiện nói cho nhau nghe chuyện đời, chuyện người và chuyện mình. Bà Vân tự hào kể về quê hương Tiền Giang có cồn Thới Sơn, gò Thành Từ, Rạch Gầm, Xoài Mút, Âp Bắc. Ẩm thực có hủ tiếu, cháo cá lóc rau đắng, vú sữa Lò Rèn… Gần nửa thế kỷ mới gặp lại nhau, thời gian chỉ bằng một quãng nhạc của khúc ca tài tử xứ miệt vườn, nhưng với 2 người thì đó là một quãng đời đằng đẵng với nhiều đau khổ... Con tạo trêu ngươi, cả hai người cùng “gẫy gánh” gia đình. Cảm thông với hai mảnh đời thiếu may mắn, bạn đồng ngũ xúm lại, mỗi người một câu, góp vun cho hai người tiến tới một tình cảm tốt đẹp hơn. Bà Vân đưa ông Tú về thăm mẹ. Người mẹ già 90 tuổi bảo với con gái: “Mẹ thấy anh này thích con rồi!”. Bà Vân cúi mặt, ôm lưng mẹ: “Mẹ cho con làm dâu người Bắc nhé?” Người mẹ nhìn vào mắt con chan chứa yêu thương và cả sự cảm thông: “Mẹ chỉ mong con được hạnh phúc!”.
Ông Tú trở về Bắc, bà Vân bồn chồn, lo lắng vẩn vơ. Sau nhiều đêm mất ngủ, bà viết thư gửi ông Tú: “Anh yêu thương, khi trái tim người lính đã mòn mỏi, hiu quạnh theo thời gian, ta không cưỡng lại được mệnh lệnh của trái tim. Em đã yêu thương từ ấy… và gửi đến anh ngàn lời yêu thương!” Nhận được thư, ông Tú ôm vào ngực, trái tim đập rộn ràng như chàng trai mới lớn. Trước Tết Kỷ Hợi 2019, bà Vân đáp máy bay ra Hà Nội. Ông Tú ôm hoa, đón bà ở sân bay Nội Bài, đưa về nhà giới thiệu với anh em họ mạc, xin phép cho bà Vân được thắp nén hương báo cáo tổ tiên…
Họ mạc đôi bên ủng hộ, bạn đồng ngũ vun vào mong cho hai mảnh đời nương tựa nhau lúc tuổi già, cho thêm ấm áp những mùa Xuân đời người…