“Dù không cùng đơn vị, nhưng trên cùng một trận tuyến đánh giặc - họ tự hào về điều đó. Khi trở về với cuộc sống đời thường, họ “thiết lập” một đội hình mới, và giữ vững trên “mặt trận” làm giàu, gương mẫu phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương”. Ông Lã Đức Thành, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên) tự hào nói với chúng tôi về cơ sở sản xuất đồ gỗ của CCB Nguyễn Ngọc Chuyển, 71 tuổi, Chi hội trưởng CCB tổ 12.
Ân tượng với chúng tôi khi bước vào cơ sở sản xuất là gỗ các loại được xếp ngay ngắn; giàn máy phục vụ sản xuất được lắp đặt khoa học, gọn, sạch, bảo đảm cho việc sản xuất an toàn. Ông Chuyển tự hào: Chúng tôi là những CCB, trở về từ nơi đạn lửa chiến tranh. Chúng tôi yêu cuộc sống, yêu công việc của mình và luôn coi việc được phục vụ khách hàng là nguồn vui. Hiện, cơ sở có 5 thành viên góp vốn cùng làm, cùng hưởng lợi nhuận như nhau.
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, các thành viên của cơ sở là: Nguyễn Văn Thìn, Phan Văn Khánh, Nguyễn Tuấn Đạt và Nguyễn Ngọc Hạnh vẫn tranh thủ với công việc. Mỗi người một khâu, như xẻ gỗ, vam gỗ cho máy đục, vào khuôn, trà nhẵn, phun PU… Không khí làm việc nghiêm túc nhưng thân thiện, cởi mở. Ông Thìn nói dí dỏm: “Đang vào tháng “củ mật”, nhiều bạn trẻ xây dựng gia đình đến đặt chúng tôi làm giường cưới. Chúng tôi được lây hạnh phúc và thấy mình trẻ lại…” Nheo mắt lấy mặt phẳng trên một tấm gỗ nhỏ, ông Khánh nói: “Những năm gần đây, vào các tháng áp Tết Nguyên đán, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng là bàn thờ. Ngày trước, khách đến đặt làm bàn thờ giản đơn là tấm ván, đóng khung “treo” thẳng vào tường nhà, giá thành chỉ vài trăm nghìn đồng cho 1 sản phẩm. Còn bây giờ, bàn thờ có nhiều loại, như bàn thờ đứng, bàn thờ treo, tủ thờ… Khách đặt thì chúng tôi làm theo yêu cầu, giá thành hơn hoặc kém 10 triệu đồng cho 1 sản phẩm… Sau một hồi cặm cụi bên chiếc máy khoan, ông Đạt dừng máy, dùng tay phủi bụi gỗ bám đầy vạt áo, bảo: “Cơ sở chúng tôi chỉ có 5 người, nhưng chúng tôi có thể làm được bất cứ sản phẩm đồ gỗ nào do khách hàng đặt. Phổ biến nhất vẫn là các sản phẩm giường, tủ, bàn ghế, đồ thờ, cửa nhà, cửa sổ, chạn treo tường. Khách hàng đa số là nhân dân trong vùng, có quen biết, nên chúng tôi tự động viên nhau làm ra các sản phẩm phải đạt tiêu chí: Chắc chắn, đẹp, bền và giá thành phù hợp”. Còn ông Hạnh trải lòng: “Các cụ thường nói “Nhất thổ, nhì mộc”. Tức là cái nghề mộc cực nhọc ở hàng sau so với nghề đội đất, nhưng chúng tôi đến với nghề không chỉ là vì việc làm kiếm sống, mà còn vì sở thích được làm một người thợ lành nghề”.
Với ông Chuyển lại khác. Ông sinh ra ở Cẩm Giàng (Hải Dương), vùng đất có những nghệ nhân làm ra các sản phẩm gỗ nức tiếng. ông sớm được tiếp cận với các dụng cụ cưa, bào, chàng, đục…, biết mở lưỡi cưa, mài lưỡi đục và biết pha gỗ để đóng đồ từ hơn 12 tuổi. Năm 1968, ông tình nguyện nhập ngũ rồi cùng đơn vị theo miết các chiến dịch ở Quảng Trị và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tháng 5-1975, ông xuất ngũ, trở về quê hương Cẩm Giàng và tiếp tục theo nghề mộc. Năm 1990, ông giao lại toàn bộ công việc nhà xưởng cho người thân để “phiêu bạt hải hồ”. Chiếc ba lô người lính gói ghém tư trang, chiếc hòm gỗ đựng đồ đoàn cho người thợ. Cùng theo ông lên đất Thái Nguyên mở nghề còn gần chục học trò đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ông tâm sự: “Đi ăn cơm thiên hạ” không phải chuyện dễ, nhưng tôi tin ở tay nghề của mình. Tôi thuê đất, dựng lán, mở xưởng ở khu vực sát đầu cầu Vó Ngựa, nhận đóng đồ cho bà con trong vùng, đồng thời dạy các học trò của mình nghề đục, chạm, khảm chai… Trong thời hơn 5 năm (1990-1995), tôi truyền dạy nghề cho hơn 30 học trò, trong đó 24 cháu quê Cẩm Giàng, còn lại là người Thái Nguyên. Hiện, nhiều cháu có tay nghề giỏi và đang đứng tên tại các cơ sở sản xuất đồ gỗ có uy tín ở 2 tỉnh Thái Nguyên và Hải Dương.
Để an cư, năm 1998, ông Chuyển quyết định mua đất, mở xưởng và chuyển hẳn hộ khẩu từ quê lên Tân Thành. Mến chất lính bộc trực, thẳng thắn, một số CCB biết nghề mộc trong vùng đã đến đầu quân, cùng ông tạo lập cơ sở sản xuất đồ gỗ Tân Thành. Cũng vì thế mà nhân dân trong vùng gọi đây là cơ sở của những CCB. Nhưng với cơ sở thì đây cũng là năm tháng khó khăn nhất, vì đồ gỗ nhập khẩu, đồ gỗ sản xuất công nghiệp, hàng dán phocmeca bắt mắt được bày bán với giá cực thấp, chỉ bằng khoảng 1/10 so với các mặt hàng cơ sở sản xuất. Ông Chuyển tâm đắc: Nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ trong tỉnh phải giải tán, hoặc chuyển hẳn sang kinh doanh đồ nhập khẩu và hàng phocmeca. Nhưng cơ sở sản xuất của CCB chúng tôi không chỉ ổn định sản xuất, mà từng bước mở rộng được thị trường đến các tỉnh lân cận. Từ nhiều năm nay, cơ sở không có sản phẩm tồn đọng, thu nhập của các thành viên làm việc tại cơ sở ổn định, đạt từ 15 triệu đồng trở lên/tháng.
Chia tay các CCB - những chủ nhân cơ sở sản xuất đồ gỗ phường Tân Thành, lòng tôi cảm phục về ý chí, nghị lực vươn lên của những người từng một thời xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ. Và họ đã sống, đã làm việc và đang tiếp tục cống hiến cho xã hội bằng việc làm của một người thợ.