Nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, thời gian qua, tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp giải quyết việc làm cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó, hàng nghìn người DTTS đã có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Là địa phương có tỷ lệ người DTTS chiếm đến trên 70% dân số, nhiều năm qua, huyện Định Hóa đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, do những khó khăn về đất canh tác, thị trường, thiếu vốn sản xuất... nên công tác giảm nghèo của huyện gặp không ít khó khăn. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp - dịch vụ của tỉnh, kéo theo là sự chuyển dịch cơ cấu lao động, huyện Định Hóa xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân theo hướng các ngành nghề phi nông nghiệp. Bà Thái Thị Thìn, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Định Hóa cho biết: Để giải quyết việc làm cho người dân nói chung và người DTTS trên địa bàn nói riêng, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chỉ tiêu tuyển dụng, nhu cầu, giới thiệu hình ảnh, chế độ phúc lợi cho người lao động của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Phòng LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, tuyển dụng trực tiếp tại các xã, thị trấn. Trung bình mỗi năm, huyện tạo việc làm tăng thêm cho trên 2.000 lao động địa phương, hầu hết là người DTTS làm việc tại các công ty, khu công nghiệp lớn trong tỉnh. Riêng 9 tháng năm 2019, huyện Định Hóa đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 1.800 lao động. Trong số này có 900 lao động làm việc trong tỉnh, 640 lao động ngoài tỉnh, còn lại là đi xuất khẩu và các chương trình hợp tác khác.
Một phần từ giải quyết việc làm, thu nhập của người dân tăng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Tính đến giữa năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Định Hóa đã giảm xuống còn 14,37% (giảm hơn 13% so với năm 2015), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 11,17%.
Cũng giống như Định Hóa, là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, thời gian qua, huyện Võ Nhai đã tập trung đẩy mạnh công tác giải quyết, chuyển dịch cơ cấu việc làm cho người dân. Bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Võ Nhai chia sẻ: Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, thời gian qua, nhận thức của người dân trên địa bàn huyện về việc làm đã thay đổi. Ngày càng có nhiều người chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thay vì chỉ dựa vào nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp như trước. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện có trên 1.000 lao động tìm được việc làm mới trong các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, may mặc… Ngoài ra, số lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp như: Chăn nuôi, trồng cây nông nghiệp, trồng rừng đang ngày càng tăng. Số gia trại, mô hình sản xuất nông nghiệp cũng không ngừng mở rộng về diện tích và quy mô.
Chia sẻ về công việc hiện tại, anh Hà Văn Thanh, dân tộc Tày ở xóm Bản Chang, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) bộc bạch: Gia đình tôi có 5 người nhưng chỉ có hơn 2 sào ruộng nên kinh tế rất khó khăn. Năm 2017, vợ chồng tôi được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với mức lương gần 7 triệu đồng/người/tháng. Hằng ngày, chúng tôi được xe đưa, đón đi làm nên rất thuận tiện. Kinh tế gia đình cũng vì vậy mà ngày càng khấm khá.
Cũng giống như gia đình anh Thanh, chị Lương Thị Lan, dân tộc Nùng ở xóm La Dạ, xã Bản Ngoại (Đại Từ) chia sẻ: Đầu năm 2019, tôi được vận động đi học lớp sơ cấp nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đại Từ. Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận vào làm việc tại Chi nhánh may TDT Đại Từ với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này ổn định hơn nhiều so với làm nghề nông tại nhà.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS như: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại khu vực vùng sâu, vùng xa; đầu tư hàng chục tỷ đồng đào tạo nghề cho người DTTS; đề nghị Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên ưu tiên tuyển dụng người lao động thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách vào làm việc tại đơn vị và các doanh nghiệp phụ trợ đóng trên địa bàn tỉnh… Giai đoạn 2015-2019, trung bình mỗi năm, tỉnh có trên 20.000 người lao động tìm được việc làm mới, trong đó có khoảng 30% là người DTTS. Qua đó, góp phần giảm số hộ nghèo thuộc 124 xã, thị trấn vùng DTTS và miền núi xuống còn 36.587 hộ nghèo (chiếm 19,22%), phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.