Hơn 10 năm qua, Thái Nguyên đã đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng nhằm nâng cao tầm vóc cho trẻ em. Bằng những việc làm thiết thực, đến nay, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Hết năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng về cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 10,6%, giảm hàng chục % so với hơn mười năm trước…
Theo bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ: Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, giúp trẻ nhỏ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi, thường có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển cơ thể. Do đó, khi bị suy dinh dưỡng, trẻ chậm lớn, thường hay mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và viêm đường hô hấp, giảm khả năng học tập...
Bà Thủy khuyến cáo, muốn trẻ phát triển khỏe mạnh, bố, mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ theo lứa tuổi, với nhiều bữa ăn và đa dạng các loại thực phẩm, rau xanh, củ quả... Khi mang thai, người mẹ cần ăn uống đầy đủ để không thiếu chất, sinh con ra có đủ cân nặng, phát triển bình thường (tiêu chuẩn về cân nặng của trẻ khi sinh ra là 2,8kg trở lên). Khi trẻ đã ăn dặm, phấn đấu bữa ăn nào cũng có đủ 4 món cân đối. Ngoài cơm (cung cấp năng lượng), cần có đủ 3 món nữa là: Rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo) và canh cung cấp nước cùng các chất dinh dưỡng bổ sung giúp trẻ ăn ngon miệng…
Yêu cầu đối với việc chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi là như vậy, tuy nhiên, ở một số xã miền núi, vùng cao của tỉnh, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên người dân chưa có điều kiện chăm sóc, phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Hơn nữa, trong cộng đồng dân cư, nhận thức của một số người dân về dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ còn hạn chế. Đây chính là những nguyên nhân khiến 10 năm về trước, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ nhỏ trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.
Để người dân có kiến thức cơ bản về dinh dưỡng cũng như kiến thức cần thiết phục hồi trẻ suy dinh dưỡng, đa dạng hoá thực phẩm cho bữa ăn gia đình, phòng chống thiếu Vitamin A, thiếu sắt, I-ốt và tốt cho sự phát triển của trẻ; đồng thời, có ý thức phòng, chống suy dinh dưỡng, chủ động theo dõi tăng trưởng của con em mình, thời gian qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã thực hiện rất nhiều giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân được đẩy mạnh thông qua các hoạt động truyền thông về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em nhân dịp Tháng hành động Vì trẻ em (tháng 6 hằng năm); chiến dịch uống Vitamin A bổ sung và tẩy giun; Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6)… Chị Nguyễn Thị Hạnh, xóm Chiềng, xã Phú Cường (Đại Từ) cho biết: Con trai tôi được 2 tuổi. Hiện nay, cháu nặng 13kg, cao 92cm. Trước đây, khi đến tiêm phòng cho con, cán bộ Trạm Y tế xã đều kết hợp kiểm tra chiều cao, cân nặng. Đồng thời, tư vấn cho tôi cách chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là thực hiện cho con ăn uống đủ chất, đúng khẩu phần, đảm bảo chế độ dinh dưỡng để phát triển cả cân nặng và chiều cao. Nhờ đó, con trai tôi khá nhanh nhẹn, khỏe mạnh, có sức đề kháng với bệnh tật, ít ốm đau, quấy khóc.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã thực hiện một số dự án như cải thiện dinh dưỡng; sàng lọc sau sinh… từ đó góp phần nâng cao tầm vóc cho trẻ em. Ngoài ra, ngành Y tế đã chỉ đạo cán bộ làm công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và cán bộ chuyên trách dinh dưỡng cấp huyện, xã tiến hành giám sát hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng tại các địa bàn nhằm đảm bảo mọi hoạt động được triển khai xuống tận cơ sở, đến đúng đối tượng. Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp, lồng ghép hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng với việc thực hiện các mục tiêu trong chương trường xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh...
Có thể khẳng định, hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Riêng 2 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi được uống vitamin A đều đạt 100%; số trẻ dưới 5 tuổi có cân nặng đạt chuẩn chiếm gần 90%... Tuy nhiên, để công tác này đạt kết quả cao hơn nữa, thời gian tới, việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, lồng ghép sâu rộng những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trong nhân dân là rất cần thiết. Nhất là, nâng cao nhận thức cho người dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh; tạo điều kiện về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giúp họ có điều kiện thực hành dinh dưỡng đã được tuyên truyền…, từng bước cải thiện nòi giống, nâng dần trí tuệ và chất lượng dân số, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.