Ước vọng từ cánh đồng làng

15:38, 13/01/2020

Ở làng tôi (xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, T .P Thái Nguyên), cánh đồng luôn là nơi ngày mới bắt đầu sớm nhất. Cánh đồng được dòng sông Cầu, đoạn chảy qua làng ôm trọn như vòng tay lớn bao dung, che chở. Ngay cả khi nước sông đổi sắc kéo theo lũ về, đồng làng oằn mình lên chống chọi thì sông vẫn không quên bù đắp cho đồng những lớp phù sa màu mỡ khi lũ đi qua. Người dân làng tôi sống nương nhờ cánh đồng, sung túc hay thất bát cũng từ đồng…  

Cánh đồng làng tôi có tên gọi Bãi Soi, con đê chắn dòng lũ dữ để bảo vệ sự bình yên cho dân làng ngăn đôi cánh đồng tạo thành Soi trên và Soi dưới. Ở đó có đủ mùa nào thức ấy, tháng Giêng, Hai những bãi mùng tơi, rau đay xanh mướt mải; hết sương đêm, tháng Ba, Tư rau muống, cà chua mơn mởn tươi non; giữa hè tháng Năm, Sáu thì cơ man nào là rau rền, cải canh, cải thìa, lú bú… Để có được những gánh rau tươi ngon nhất, hầu hết các loại rau ăn lá người làng tôi đều cắt và đưa sang chợ Thái bán trong ngày. Đó cũng là cái nhọc nhằn của người nông dân quê tôi. 

Tôi còn nhớ những hôm 2, 3 giờ sáng khi dậy để ra đồng làm rau, bước chân cảm giác còn bồng bềnh vì chưa tỉnh ngủ. Ấy thế nhưng chỉ cần ra đến đồng, nhìn ánh đèn pin lấp lóa, tiếng nói cười râm ran là ai lấy đều tỉnh như sáo. Bãi bên này hái, bãi bên kia cắt… mùi sương sớm, mùi nhựa rau non ngai ngái hòa quện tạo nên thứ hương vị đặc trưng để người làng tôi dù có đi nơi đâu cũng mãi nhớ về. Cứ thế đến khi trời tảng sáng là công việc rửa, xếp từng gánh rau đã hoàn thành để mang đi chợ bán. Những ngày chợ đông, không cần phải ra đến chợ Thái, người làng tôi chỉ cần mang rau qua cầu treo Bến Oánh là đã có người đợi mua ở đó. Hết buổi chợ, có khi ánh nắng mặt trời còn chưa kịp chiếu, bà con xóm tôi lại đã có mặt ngoài đồng, người nhổ cỏ, người vun luống, bón phân… Công việc cứ xoay vòng như vậy, trừ lúc nghỉ ngơi ra, còn lại phần lớn thời gian bà con đều có mặt ngoài đồng. 

Những ruộng rau, giàn đỗ đang xanh tốt là thế, đùng một cái lũ tháng Bảy về. Chỉ sau vài ngày mưa, bỗng một sớm nước đã ngập băng đồng. Lần nào cũng vậy, mẹ tôi sốt ruột đi ra, đi vào ngó con nước, bố tôi và các bác hàng xóm hỏi nhau ngoài ngõ “Soi trên ngập hết chưa, nước mương chảy ngược chưa…? Đó là cái cách dân làng tôi nhận biết tình hình con nước lên hay xuống. Mỗi lần như vậy, người lớn trong làng lại thở dài “công cốc rồi”. Đám trẻ thì dường như không biết đến muộn phiền của người lớn, khoái chí khi được bì bõm nghịch nước. Nhìn cánh đồng “biến mất” hoàn toàn trong cơn hồng thủy, tôi hiểu thêm về nhiều lẽ ở đời. Yêu thương nào cũng cần trải qua thử thách, chông gai. Nhưng những thử thách ấy chỉ làm cho tình yêu thêm bền chặt. Giống như cánh đồng làng tôi vậy, lũ dâng lên nhấn chìm tất cả, nhưng khi rút đi rồi đều không quên để lại những lớp phù sa bù đắp lại cho đồng như một món quà để làm lành.

Nhờ được sông Cầu bồi đắp phù sa hàng năm nên cánh đồng rau 4 mùa xanh tốt.

Ngay khi nước rút, người làng tôi sẽ người té thủ công, người dùng máy bơm nước để gột rửa bùn trên những đám lúa, ruộng rau còn có khả năng cứu sống. Nhưng đa phần đều phải ngậm ngùi xới đất lên đợi ráo nước thì gieo cấy lại. Nhưng ngay cả trong những ngày ấy, đồng làng vẫn không hẳn phụ người. Bao giờ cũng vậy, sau những ngày nước rút đi trời sẽ đều nắng.

Ánh nắng mang theo nhiệt như muốn đun chín những gì còn sót lại dưới lớp phù sa lẫn bùn lầy thụt. Và đó cũng là thời điểm mà lũ trẻ luôn chờ đợi. Giữa trưa, bọn nhóc đứa xách theo một chiếc xô, đứa mang theo chậu, đi dọc theo bờ của từng thửa ruộng nhặt cua. Những con cua béo ngậy đang cố gắng tìm cách ngoi lên khỏi mặt mước bỏng rát, rúc vào đám cỏ ven bờ tránh nóng. Những ngày ấy, bữa cơm của mỗi gia đình làng tôi, hầu như đều có món riêu cua mát lành. 

Kỳ diệu nhất là chỉ 1 đến 2 tháng sau, cánh đồng làng lại xanh rì trở lại bởi các loại rau ăn lá và có phần tươi tốt hơn nhờ vào những lớp phù sa mới. Thời gian trôi dần về cuối năm thì sự phong phú về các loại rau trên cánh đồng làng càng nhiều hơn cả. Buổi sớm mai, cả cánh đồng thơm quyến rũ bởi rau mùi, hành lá. Từng gánh hàng mang theo bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt, rau thơm kĩu kịt trên vai người nông dân nối đuôi nhau ra chợ. Còn khi trở về, trong gánh hàng sẽ là lá dong, ống giang, mứt kẹo… Lũ trẻ trong những ngày này cũng có nhiệm vụ đặc biệt là dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong những ngày nghỉ Tết. Theo sự hướng dẫn của người lớn, lũ trẻ sẽ mỗi đứa cầm 1 cái liềm, nạo sát từng khóm rau muống đã có phần lụi úa vì vừa phải trải qua đợt sương giá buốt của mùa Đông. Để qua Tết, tại vị trí của mỗi gốc rau già được cắt đi hôm nay sẽ là những mầm non màu đỏ thẫm nhú lên đón mưa Xuân và mau chóng sẽ lại non xanh mơn mởn. 

Xuân mới đến, người dân làng tôi sẽ được nghỉ ngơi vài ngày đón Tết, nhưng gia đình nào cũng sẽ có mặt và làm việc chốc lát ngoài đồng vào mùng Hai hoặc mùng Ba Tết. Đó không chỉ mang ý nghĩa khai Xuân, cầu mong sự may mắn mà còn là cách mà người dân làng tôi tri ân với cánh đồng, tựa như những người bạn thân thiết đến thăm nhau trong những ngày đón Tết, vui Xuân.

Một năm mới lại bắt đầu, mang theo bao ước vọng của người dân làng tôi về sự sung túc và no đủ từ cánh đồng làng.