Những ngày đầu năm 2020, câu chuyện thời sự được nhiều người quan tâm là tình hình về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường tự nhiên đang hằng ngày đe dọa đến lá phổi của hàng tỷ con người trên trái đất. Từ nhận thức đầy đủ về rác thải, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trực tiếp gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nên từ nhiều năm gần đây, Thái Nguyên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở): Trung bình 1 ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 700 tấn rác thải rắn sinh hoạt; 1.026 tấn rác thải rắn công nghiệp thông thường, hầu hết lượng rác thải phát sinh được xử lý trong ngày. Hiện, tỉnh có 2 nhà máy chất thải công nghiệp đang hoạt động, gồm Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ môi trường anh Đăng; Nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới… và hiện một số nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Theo Thạc sĩ Trần Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường: Trong phát triển kinh tế, Thái Nguyên luôn quan tâm, coi trọng công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, khắc phục, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Công tác bảo vệ môi trường đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để đạt được hiệu quả như mong muốn, những yêu cầu về bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các ngành và địa phương. Cơ sở vật chất, kỹ thuật về bảo vệ môi trường đã được xây dựng. Việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp dần đi vào nền nếp. Một số cơ sở sản xuất gây ô nhiệm môi trường đã xây dựng được kế hoạch đầu tư hệ thống xử lý rác thải, từng bước hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm, không gây phát sinh mới, qua đó góp phần cải thiện chất lượng môi trường, kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường tự nhiên.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006 gồm: KCN Sông Công I, II; KCN Điềm Thụy; KCN Yên Bình; KCN Nam Phổ Yên và KCN Quyết Thắng, với tổng diện tích 1.420 ha. Hiện đã có 4 KCN đang hoạt động, với 188 dự án đầu tư, trong đó có 91 dự án FDI và 97 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 7,061 tỷ USD và trên 14.516 tỷ đồng. Đến nay, đã có 121/188 dự án đi vào hoạt động, trong đó 48 dự án thuộc KCN Sông Công I; 55 dự án thuộc KCN Điềm Thụy; 13 dự án thuộc KCN Yên Bình và 5 dự án thuộc KCN Nam Phổ Yên. Hầu hết các dự án đầu tư trong KCN đều chấp hành tốt quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, như thực hiện đánh giá tác động môi trường, xây dựng các công trình xử lý chất thải, quan trắc kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ và thực hiện thông tin báo cáo theo quy định. Đặc biệt là KCN Yên Bình đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng thời lắp đặt hệ thống thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định của Chính phủ. Hiện, KCN này cũng đã lắp đặt phần mềm tương thích với hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động của Sở để truyền dữ liệu về Sở. Bà Hương cho biết thêm: Thái Nguyên là một trong số ít các tỉnh trên cả nước sớm đầu tư hệ thống thiết bị đường truyền kết nối dữ liệu quan trắc tự động. Cụ thể là từ năm 2018, hệ thống đường truyền này được vận hành, bộ phận chức năng của Chi cục đã tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động của 3 đơn vị, trong đó 1 đơn vị nguồn thải khí và 2 đơn vị nguồn thải nước.
Một khó khăn trong giải quyết về ô nhiễm môi trường là từ các đơn vị được thành lập, hoạt động sản xuất từ hàng chục năm trước đây, nên hệ thống dây chuyền sản xuất lạc hậu, theo đó là hệ thống các công trình bảo vệ môi trường không đồng bộ, gồm 7 đơn vị có lưu lượng xả nước thải hơn 1.000m3/ngày đêm, chưa kế đến lượng rác thải của 2 đơn vị luyện kim có quy mô sản xuất hơn 200.000 tấn/năm và 1 nhà máy sản xuất a xít đạt sản lượng hơn 10.000 tấn/năm. Để giám sát việc xả thải của các đơn vị này, Sở phối hợp với từng đơn vị lắp đặt hệ thống quan trắc giám sát môi trường tự động, liên tục và cho chạy thử nghiệm có kết quả. Nâng tổng số đơn vị thực hiện hệ thống quan trắc giám sát tự động, liên tục môi trường nước, không khí lên 11 đơn vị, trong đó đã có 6 nguồn thải truyền dữ liệu về Sở. Các đơn vị còn lại tiếp tục tiến hành tích hợp với hệ thống quan trắc tự động của Sở để kiểm soát thường xuyên và kịp thời các nguồn thải.
Một trong các hoạt động sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao là hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng. Với gần 100 tổ chức được cấp phép, với 195 giấy phép khai thác khoáng sản, chủ yếu là khai thác đá vôi, cát sỏi, đất san lấp, antimon, barit, cao lanh, chì, kẽm, than, sắt… riêng vàng có 10 mỏ được cấp phép. Quá trình khai thác khoáng sản cũng như vật liệu xây dựng đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, do nước thải từ việc tháo khô moong khai thác, nước cuốn trôi bề mặt qua khu vực khai thác, khu vực bãi thải và nước thải từ quá trình tuyển rửa quặng; bụi, khí thải từ quá trình vận chuyển, bốc xúc, khoan nổ mìn, các sự cố do trượt lở, trôi lấp bãi thải… Cùng với đó là 15 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch trên địa bàn tỉnh có doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, mà chủ yếu do các đơn vị thứ cấp tự đầu tư hệ thống xử lý chất thải riêng biệt. Liên quan đến môi trường tự nhiên là 220 làng nghề truyền thống, trong đó hơn 198 làng nghề trồng và chế biến chè, còn lại là chế biến lâm sản, thực phẩm… Để hạn chế ô nhiễm môi trường tự nhiên, các cấp, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho địa phương có làng nghề xây dựng hương ước, quy ước gắn với bảo vệ môi trường; lồng ghép với tiêu chí xây dựng nông thôn mới để bình xét thi đua.
Theo đánh giá của Sở: Hiện, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của ngành chuyên môn. Với trang thiết bị phục vụ theo dõi, giám sát, quan trắc, phân tích hiện trạng môi trường và chất lượng xả thải từ các đơn vị sản xuất. Nên việc đánh giá diễn biến môi trường của tỉnh bảo đảm tính chính xác cao. Nhất là sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua đó tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên. Đặc biệt, tỉnh kiên quyết không vì bất cứ lý do nào mà phê duyệt, hoặc trình phê duyệt đối với các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tất cả vì một môi trường tự nhiên trong lành, vì sức khỏe của mọi người dân.