Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Corona gây ra, các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch tại các khu vực chợ. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Đến tìm hiểu thực tế tại chợ Hồng Tiến, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên), một trong số ít chợ ở vùng nông thôn hoạt động hằng ngày, chúng tôi quan sát thấy có trên 60 hộ kinh doanh bày bán đủ các loại mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả đến đồ khô, đồ ăn chín. Để phòng ngừa dịch tại khu chợ, cơ quan chuyên môn đã phun thuốc khử trùng và phát tờ rơi tuyên truyền về dịch bệnh đến các tiểu thương, vì thế, nhiều tiểu thương đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, một tiểu thương bán gia cầm tại chợ chia sẻ: Ngày nào tôi cũng phải tiếp xúc với nhiều người và trực tiếp bán cũng như giết mổ gà, vịt sống, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, tôi thường xuyên đeo khẩu trang, vệ sinh tay, chân… sau khi làm việc xong. Ngoài ra, tôi cũng hạn chế tiếp xúc gần với khách mua hàng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù các tiểu thương tại chợ đã có ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cộng đồng, thế nhưng việc chấp hành các điều kiện về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được nâng cao. Điều dễ thấy là nhiều tiểu thương vẫn còn bày bán thực phẩm tươi sống trên những tấm bạt để dưới nền đất; gà, vịt, cá tươi sống được sơ chế ngay trên nền gạch, gần miệng nắp cống rãnh và không cách biệt với khu bán thực phẩm; đồ ăn chín bày bán cùng đồ ăn sống…
Còn tại chợ Ôn Lương, xã Ôn Lương (Phú Lương), một số tiểu thương đã tìm hiểu nội dung cơ bản về phòng dịch nhưng lại thực hiện chưa đúng. Chị Trần Thị Thu, tiểu thương tại chợ chia sẻ: Qua thông tin được phản ánh trên báo, đài, tôi cũng hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra. Chính vì thế, hằng ngày khi ra chợ tôi đều đeo khẩu trang y tế. Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi chị có thay, giặt khẩu trang hằng ngày hay không thì chị Thu lại trả lời: Sau 2 đến 3 ngày tôi mới thay khẩu trang 1 lần, trong quá trình bán hàng, tôi cũng thường xuyên cầm vào khẩu trang khi tay chưa được vệ sinh sạch sẽ.
Không chỉ có vậy, nhiều tiểu thương vẫn còn có tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch bệnh. Chị Trần Thị Nhất, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Hợp Thành, xã Hợp Thành (Phú Lương) cho biết: Dịch bệnh này chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta, vì thế, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tôi và một vài tiểu thương ở chợ vẫn chưa đeo khẩu trang khi ra chợ hay thường xuyên rửa tay bằng chất tẩy rửa.
Qua khảo sát thực tế tại một số chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, đa phần các tiểu thương đã nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh nhưng chưa hiểu đúng về mức độ nguy hiểm, cũng như cách thức phòng dịch. Trước thực trạng trên, UBND các địa phương, ban quản lý các chợ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tiểu thương trong việc phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bà Dương Thị Thoa, Trưởng Phòng Hành chính Chi nhánh Công ty C.P Trung Tín - đơn vị quản lý chợ Thái (T.P Thái Nguyên) cho biết: Ngày 3-2, đơn vị đã kết hợp với Phòng Y tế T.P Thái Nguyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ. Cùng với đó, kết hợp tuyên truyền và phát khẩu trang miễn phí đến tất cả các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Hiện nay, Công ty đang phối hợp với các phòng, ban chức năng của Thành phố in pa nô, áp phích tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dán tại các lối ra vào khu chợ.
Còn ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người cho hay: Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, Thị xã đã chỉ đạo các địa phương và cơ quan chuyên môn tiến hành phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn tại 12/12 chợ truyền thống hoạt động trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền phòng tránh lây nhiễm dịch thông qua các hình thức, như: Phát tờ rơi, hệ thống loa phát thanh, xe tuyên truyền lưu động… Thời gian tới, Thị xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền dịch bệnh cho người dân nói chung và các tiểu thương nói riêng, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về mất an toàn vệ sinh thực phẩm…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Nhằm phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Sở đã thống kê, lập danh sách số lượng các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại thuộc lĩnh vực do Ngành quản lý. Trên cơ sở nội dung tổng hợp, Sở đã ban hành văn bản gửi Sở Y tế để lên kế hoạch thực hiện phun hóa chất khử trùng, diệt khuẩn Cloramin b tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Ngoài ra, Sở cũng đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thành, thị đề nghị chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng nhằm bình ổn thị trường; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá các vật tư y tế, lương thực, thực phẩm...
Toàn tỉnh hiện có 4 chợ hạng 1 và trên 130 chợ hạng 2, hạng 3. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu các ngành chức năng và UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền tại các chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, siêu thị để tiểu thương nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch do chủng mới của virus Corona gây ra.