Chiếc “cần câu” thoát nghèo

11:16, 06/02/2020

Từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, một số hộ nghèo của xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) đã có được nguồn vốn cơ bản ban đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, họ có điều kiện đầu tư chuyển đổi cây, con giống phù hợp, mang lại thu nhập cao hơn, từng bước vươn lên thoát nghèo.  

Mặc dù sinh sống ở vùng nông thôn nhưng gia đình anh Trương Văn Sơn, ở xóm Phố Hích không có tư liệu sản xuất. Hằng ngày để mưu sinh, hai vợ chồng anh phải đi làm thuê tính theo công nhật nên ăn bữa nay, lo bữa mai, chưa kể phải nuôi 2 đứa con ăn học. Cuộc sống của gia đình anh lại càng khó khăn hơn khi vợ anh bị thoát vị đĩa đệm, không thể làm việc nặng. Bởi vậy suốt bao năm, gia đình anh vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Đến năm 2017, anh được xã lựa chọn, hỗ trợ 100 con gà con cùng với thức ăn và vắc xin phòng bệnh với tổng giá trị gần 7 triệu đồng. Nhờ được cán bộ xã hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên ngay lứa đầu tiên, gia đình anh bán gà được trên 10 triệu đồng. Từ số tiền này, anh Sơn tiếp tục đầu tư nuôi gà. Sau vài lứa, khi tích luỹ được chút vốn, anh quyết định vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chuyển từ nuôi gà sang chăn nuôi bò thương phẩm từ năm 2019. Mỗi lần, anh mua 2 con bê để nuôi, đến khi chúng lớn hoặc được giá cao thì anh bán. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cùng với nỗ lực của mình, gia đình anh Sơn đã xây dựng được căn nhà cấp bốn kiên cố, rộng rãi và mua sắm được nhiều vật dụng cần thiết cho gia đình, bước “một chân” ra khỏi danh sách hộ nghèo, hiện là hộ cận nghèo.

Anh Sơn cho biết: Do gia đình không có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi gà theo hướng trang trại, gia trại nên nuôi bò thương phẩm đỡ vất vả, sinh lời nhanh và phù hợp hơn. Chuồng nuôi bò không cần quá rộng trong khi thức ăn của bò chủ yếu là cỏ. Gia đình tôi có điều kiện vươn lên được là nhờ có sự hỗ trợ ban đầu (gà giống) cũng như các chính sách ưu tiên hộ nghèo của Nhà nước. Đây là nguồn hỗ trợ chưa phải cao nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với một hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi, từ đó có động lực và điều kiện vươn lên.

Cũng giống như hộ anh Sơn, gia đình bà Nguyễn Thị Bích, một hộ nghèo ở xóm Tân Yên cũng được hỗ trợ 100 con gà giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh gia cầm. Từ nguồn hỗ trợ này, gia đình bà đã từng bước tạo được vốn, có điều kiện nuôi các con ăn học và thoát nghèo. Tương tự, gia đình anh Trần Văn Thủy, Dương Văn Trọng cùng ở xóm Tân Yên cũng đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ trên. 

Chị Long Thị Linh, công chức Văn hoá - Xã hội xã Hoà Bình thông tin: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, xã Hòa Bình có 6 hộ nghèo được hỗ trợ gà giống, thức ăn và vắc xin phòng bệnh gia cầm. Sau khi được hỗ trợ giống và bán được lứa gà đầu tiên này, các hộ đã có vốn để tiếp tục đầu tư vào nuôi gà hoặc chuyển sang hình thức phát triển kinh tế khác phù hợp, hiệu quả hơn. Nhờ đó, các hộ đã tự chủ động vươn lên, trong đó có 3 hộ đã thoát được nghèo, 3 hộ chuyển sang cận nghèo. 

Còn ông Vũ Duy Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Bình cho biết: Các chính sách hỗ trợ người nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn có ý nghĩa thiết thực, giúp họ vươn lên. Trong quá trình thực hiện, cán bộ xã đã luôn quan tâm, sâu sát, định hướng người dân để phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ, giúp họ hiểu được giá trị của chiếc “cần câu” mà mình được trao, từ đó “câu” được nhưng “con cá” lớn hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn xã còn 39/797 hộ nghèo, 66 hộ cận nghèo. Trong đó, nhiều hộ hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn tư liệu sản xuất, sức lao động… nên ít có khả năng thoát nghèo. Bởi vậy, chính quyền xã và các hộ này rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách, tạo điều kiện để họ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.