Coi trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động thể dục - thể thao

14:47, 14/02/2020

Ngày 27/4/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động thể dục - thể thao (TDTT) tại các khu dân cư, nơi công cộng. Điều này thể hiện sự quan tâm của Bộ cũng như các cấp, ngành chức năng Nhà nước về môi trường tự nhiên trong các hoạt động TDTT. 

Với riêng tỉnh Thái Nguyên, tuy còn gặp khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật phục các hoạt động TDTT, nhưng các cấp, ngành và người dân đã có nhiều quan tâm đến môi trường tự nhiên, đặc biệt là công tác quản lý về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch đã có hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng tập luyện của nhân dân và thi đấu của vận động viên. 

Tập luyện TDTT, nâng cao sức khỏe, tinh thần được diễn ra hằng ngày, trở thành một nhu cầu quan trọng của nhiều người dân. Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Năm 2019, phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng tới mọi đối tượng, địa bàn với nhiều hình thức tập luyện phong phú. Với gần 30% số dân của tỉnh tập luyện TDTT thường xuyên; 23% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; 100% số trường học các cấp đảm bảo công tác giáo dục thể chất có chất lượng; 100%  cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tham gia rèn luyện thân thể thường xuyên. Tại các khu dân cư của tỉnh đều đưa việc rèn luyện TDTT vào quy ước, hương ước, coi đó là một trong những tiêu chí để bình xét chất lượng phong trào. Cũng trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh diễn ra 3 giải thể thao toàn quốc; 17 giải thể thao cấp tỉnh; ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân; giải chạy tập thể, Việt dã tiền phong tỉnh Thái Nguyên cùng “Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” và nhiều ngành tổ chức giải thể thao truyền thống. Các giải thi đấu thu hút hàng nghìn lượt nhân dân, vận động viên tham dự. 

Theo ông Tạ Đình Chiến, Trưởng Phòng nghiệp vụ TDTT: Hiện, toàn tỉnh có gần 4.000 hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở; gần 200 nhà tập luyện TDTT; hơn 1.600 sân vận động tập luyện bóng đá phổ thông; hơn 2.680 sân bóng chuyền, cầu lông, gần 50 sân tennis, hơn 20 bể bơi đủ tiêu chuẩn phục vụ tập luyện. Nhiều câu lạc bộ của nhóm sở thích được thành lập như cờ tướng, bóng bàn, bóng chuyền hơi, cầu lông, dưỡng sinh... Và toàn tỉnh có gần 2.000 câu lạc bộ TDTT các cấp đang duy trì hoạt động, thu hút hơn 6.000 thành viên tham gia sinh hoạt, tập luyện hằng ngày. Hoạt động TDTT diễn ra trên địa bàn từ tỉnh đến cơ sở thu hút được mọi người, mọi giới ở các độ tuổi khác nhau tham gia. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực TDTT chưa được qua tâm đúng mức. Cơ sở vật chất phục vụ công tác vệ sinh môi trường trong các công trình phục vụ tập luyện và thi đấu TDTT như nhà vệ sinh, hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải chưa thực sự đảm bảo tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu. Tích cực tập luyện TDTT, nhưng đa số người dân chưa quan tâm đến vấn đề môi trường tự nhiên quanh nơi tập luyện. Minh chứng là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người, trong đó có hoạt động TDTT luôn là vấn đề nóng được cử tri quan tâm gửi tới kỳ họp HĐND các cấp.

Ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở chia sẻ: Các hoạt động TDTT trên địa bàn cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ về ô nhiễm môi trường trên sông, hồ, không khí, nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Trong khi đó, công tác quản lý giải quyết khắc phục tồn tại, cải thiện môi trường là công việc hết sức khó khăn. Hầu hết các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đều chưa có đầy đủ các biện pháp và công nghệ xử lý chất thải, nước thải một cách triệt để trước khi thải ra môi trường, dẫn đến ô nhiễm, nguy cơ xâm hại môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Việc thu gom rác thải hiện mới được thực hiện ở trung tâm đô thị. Còn những nơi vùng sâu, vùng xa gần như chưa được quan tâm. Tình trạng chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt hằng ngày không đúng quy định gây ô nhiễm cho nguồn nước và không khí, làm ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động TDTT của người dân.

Giải pháp hiệu quả nhất vẫn là việc các cấp, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh tăng cường hơn nữa về các hoạt động phối hợp, nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường, tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt là hoạt động tuyên truyền về môi trường qua các phương tiện thông tin đại chúng, bằng pa nô, khẩu hiệu, tờ rơi; hoạt động ra quân bảo vệ môi trường... Nhất là tại giải thể thao các cấp, chính quyền địa phương và ban tổ chức nên lồng ghép việc tuyên truyền về thực trạng ô nhiễm môi trường tự nhiên, vận động mọi người dân có ý thức trách nhiệm hơn với môi trường sinh thái, giản đơn là việc để rác thải đúng nơi quy định; xây dựng thói quen, nếp sống tuân theo pháp luật và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường; thành lập các tổ, đội bảo vệ môi trường tại khu dân cư; tổ chức thanh niên tình nguyện tham gia Ngày Vì môi trường. Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, liên tục sẽ như một nhắc nhớ nâng cao nhận thức, từ đó làm thay đổi thái độ, hành vi ứng xử của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái.

Môi trường tự nhiên trong lành là mong ước của mỗi người dân. Nhất là mỗi ngày, mọi người được tham gia tập luyện, rèn luyện TDTT trong môi trường không bị ô nhiễm. Thiết nghĩ: Các cấp, ngành chức năng của tỉnh nên xây dựng môi trường điểm về bảo vệ môi trường trong hoạt động TDTT, góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường cho cộng đồng, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn tỉnh. Và chỉ khi lấy sức khỏe của con người là mục tiêu bảo vệ môi trường, thì các vấn đề môi trường mới thực sự được quan tâm đúng mức.