Là địa phương có trên 3.500 người có công (NCC) được hưởng trợ cấp hàng tháng, thời gian qua, huyện Đại Từ đã quan tâm thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để chăm sóc đối tượng này. Việc thực hiện hiệu quả công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCC trên địa bàn.
bà Đàm Thị Hồng Nhung, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ chia sẻ: Theo thường lệ, ngay từ đầu năm, chúng tôi sẽ tổ chức đưa NCC đi điều dưỡng tập trung. Tuy nhiên, năm nay do diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nên huyện chưa tổ chức điều dưỡng tập trung mà vận động NCC đăng ký điều dưỡng tại gia đình hoặc chờ cho đến khi tình hình ổn định. Năm 2019, huyện đã tổ chức đưa đón 305 đối tượng NCC đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh và tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa); tổ chức chi trả chế độ điều dưỡng tại gia đình cho trên 1.300 đối tượng. Đây chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động mà huyện Đại Từ tổ chức nhằm tri ân, chăm sóc tốt cho NCC.
Để thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hàng năm, huyện Đại Từ đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức và nhân dân đối với công tác chăm sóc, phụng dưỡng NCC. Trung bình mỗi năm, huyện vận động được 500-700 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” . Quỹ được sử dụng để hỗ trợ NCC sửa chữa nhà ở, tặng quà đối tượng NCC, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ... Năm 2019, huyện đã tổ chức thăm, tặng gần 6.900 suất quà cho đối tượng NCC nhân dịp Tết Nguyên đán; tặng gần 8.000 suất quà nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7); trợ cấp thường xuyên cho 3.574 đối tượng tại cộng đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán 2020, huyện cũng đã tổ chức trên 20 đoàn đi thăm, tặng trên 7.000 suất quà cho NCC và thân nhân NCC.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách ưu đãi cho NCC, huyện Đại Từ còn triển khai các chính sách tạo điều kiện để NCC được học hỏi khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, vay vốn làm kinh tế. Trong năm 2019, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UbND huyện hỗ trợ đột xuất đối với 15 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 15 triệu đồng; hỗ trợ vay vốn sản xuất, chăn nuôi cho 80 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam để phát triển kinh tế với tổng số tiền là 800 triệu đồng… Hầu hết các gia đình NCC đều nêu cao tinh thần cách mạng, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hoá. Trên địa bàn huyện hiện có hàng chục hộ gia đình NCC có mô hình kinh tế đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Bên cạnh việc quan tâm đến đời sống của NCC, huyện Đại Từ còn tập trung giải quyết chính sách tồn đọng. Năm 2019, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ đã tiếp nhận và chuyển hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ cho 17 đối tượng; hồ sơ đề nghị cấp lại bằng Tổ quốc ghi công cho 22 đối tượng; hồ sơ đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần cho 16 đối tượng…
Nhờ những chính sách hỗ trợ tích cực, tính đến thời điểm này, 100% hộ gia đình NCC và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Đại Từ có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân cùng địa bàn cư trú; 100% số xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC. Ông Nguyễn Duy Định, NCC ở xóm 6, xã Cù Vân cho biết: “Nhận được hỗ trợ 40 triệu đồng của Nhà nước và sự đóng góp của gia đình, làng xóm, tôi đã xây dựng được nhà mới khang trang”. Còn ông thương binh tại xóm Đồng Cốc, xã Cát Nê, chia sẻ: “vào những dịp lễ, Tết, đại diện các cấp, ngành đều đến tận nhà thăm hỏi, động viên gia đình tôi. Dù chỉ là những cuộc gặp mặt ngắn nhưng tôi rất cảm động trước sự quan tâm này”.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào chăm sóc NCC thông qua hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở, khám chữa bệnh, hỗ trợ vốn, ngày công trong sản xuất; chỉnh trang, sữa chữa các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.