Những năm qua, ngoài tăng cường các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Võ Nhai còn chú trọng kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở. Qua đó, nhiều vụ việc mâu thuẫn xảy ra đã được hòa giải thành công, góp phần giữ gìn và thắt chặt tình cảm gia đình, nghĩa tình làng xóm...
Tháng 5-2018, anh vợ chồng anh Ma Đình Dưỡng xảy ra mâu thuẫn do vợ anh ghen, nghi ngờ anh có tình ý với người khác. Sự ghen tuông không có căn cứ của vợ đã khiến anh Dưỡng rất bức xúc. Từ đó, mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng ngày càng gia tăng. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi anh gửi đơn, nhờ Tổ hòa giải của xóm giải quyết, phân xử phải - trái về những hành động và lời nói của vợ đối với chồng và bố mẹ chồng. Tổ hòa giải của xóm đã mời cả hai vợ chồng anh Dưỡng ra Nhà Văn hóa để giải quyết. Trong buổi làm việc đầu tiên, cả 2 vợ chồng đều rất bức xúc, nóng nảy, không bên nào chịu lắng nghe bên nào phân trần. Do vậy, Tổ hòa giải đã quyết định hoãn đến cuộc sau. Để hiểu rõ bản chất sự việc, Tổ trưởng và các thành viên trong Tổ đã đi tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn của vợ chồng anh Dưỡng. Khi nhận thấy cả 2 đã bớt giận, bình tĩnh hơn, Tổ hòa giải tiếp tục mời 2 vợ chồng ra Nhà văn hóa xóm để phân tích cái đúng, cái sai của hai bên, đồng thời động viên anh chị bỏ qua cho nhau, cùng vun đắp hạnh phúc gia đình. Chị Hoàng Thị Hạ, vợ anh Ma Đình Dưỡng cho biết: Lúc xảy ra mâu thuẫn, cả 2 vợ chồng đều rất nóng giận, không ai chịu nhường nhịn ai, suýt đưa nhau ra tòa ly hôn. Sự vào cuộc kịp thời của Tổ hòa ở xóm đã giúp 2 vợ chồng hằn gắn lại tình cảm, cùng vun đắp xây dựng hạnh phúc gia đình. Đến nay, chúng tôi đã có thêm một cháu bé kháu khỉnh hơn 6 tháng tuổi...
|
Ở một trường hợp khác, gia đình ông Phạm Văn Chanh và bà Nguyễn Thị Thực, ở xóm Đại Long đã từng không nhìn mặt nhau vì việc lấn chiếm đất khi xây dựng tường rào. Đến khi Tổ hòa giải vào cuộc thì cả 2 bên mới nhận ra sự quá đáng, ích kỷ của mình khiến mối quan hệ láng giềng bị sứt mẻ. Vụ việc xảy ra vào năm 2018, hộ bà Nguyễn Thị Thực xây dựng bờ rào của gia đình đã lấn sang 5cm (khoảng 3m2) đất của gia đình ông Chanh. Không đồng tình với việc làm này, ông Chanh đã làm đơn đề nghị Tổ hòa giải của xóm giải quyết. Sau khi kiểm tra, xác minh, Tổ hòa giải xác định có việc lấn đất khi xây dựng tường rào. Bà Thực đã nhận sai, hứa sẽ đập tường rào vừa xây nhưng lại đề nghị gia đình ông Chanh xây dựng lại tường rào. Đề nghị này không được ông Chanh chấp thuận. Trước tình thế này, Tổ hòa giải đã phân tích cho ông Chanh hiểu việc đập tường vừa xây dựng không những gây lãng phí nhiều hơn so với việc ông bị mất khoảng 2-3m2 đất ở vùng nông thôn, lại còn làm tăng thêm mâu thuẫn giữa 2 gia đình. ông Chanh hiểu ra vấn đề, đã đồng ý không đòi đập tường vừa xây, đồng thời nhận xây tiếp đoạn tường rào còn lại...
Theo thống kê, hiện nay, huyện Võ Nhai có 171 tổ hòa giải ở cơ sở với 1.388 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa hòa giải thường có từ 5 đến 11 người. Tổ trưởng tổ hòa giải thường là đồng chí bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận hoặc trưởng xóm (tổ trưởng) các thôn, xóm, tổ dân phố. Năm 2019, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 112 vụ, hòa giải thành công 96 vụ (đạt 85,7%). Các vụ chủ yếu liên quan đến hôn nhân gia đình, đất đai, ô nhiễm môi trường...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, những năm qua, các cấp, ngành ở huyện Võ Nhai thường xuyên quan tâm kiện toàn các tổ hòa giải. Hằng năm, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với uBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các tổ trưởng, tổ phó tổ hòa giải. Đánh giá về hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở, ông Nguyễn Văn Côn, Chủ tịch uBND xã Bình Long cho biết: Từ nhiều năm nay, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được Đảng ủy, uBND xã đặc biệt quan tâm. Vài năm trở lại đây, công tác hòa giải trên địa bàn có những chuyển biến tích cực. Thông qua hòa giải, nhiều vụ việc mâu thuẫn giữa hàng xóm, láng giềng, giữa những người thân trong gia đình, dòng họ được dàn xếp, can thiệp kịp thời. Qua đó, đã giải tỏa được những bức xúc, giữ được tình làng, nghĩa xóm và sự bình yên trong mỗi mái ấm gia đình. Các cuộc hòa giải cũng là dịp để phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng còn những khó khăn, bất cập. ông Lâm Văn Lực, Trưởng Phòng Tư pháp Võ Nhai cho biết: Hiện, toàn huyện mới chỉ có 528/1.388 hòa giải viên trên địa bàn huyện được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Do vậy, trình độ của một số hòa giải viên vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả chưa cao. ơ một số tổ hòa giải, hòa giải viên còn ngại va chạm, sợ mất lòng khi đứng ra phân tích, phân xử đúng, sai giữa các bên. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường mở các lớp tập huấn chuyên môn cho các các hòa giải viên, đồng thời cấp phát thêm các văn bản pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, khiếu nại và tố cáo, bình đẳng giới... cho các tổ hòa giải cơ sở.