Hướng đến mục tiêu giành huy chương Olympic

14:54, 14/02/2020

Từ thực tế cho thấy, trong năm 2019, thể thao Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công, trong đó nổi bật là giành vị trí thứ 2 toàn đoàn tại SEA Games 30 cùng 2 chiếc Huy chương Vàng của bóng đá nam và nữ. Năm 2020, Thế vận hội mùa hè (Olympic) được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) vào tháng 7. Vì vậy đã đến lúc chúng ta hướng tới các mục tiêu tại đại hội thể thao lớn nhất thế giới.  

Từ năm 1980 đến nay, thể thao Việt Nam thường xuyên có vận động viên (VĐV) tham dự các kỳ Olympic và đã ít nhiều có những thành tích nổi bật. Cụ thể, năm 2000, tại Olympic Sidney, nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân đã giành được Huy chương Bạc - đây là tấm huy chương đầu tiên của thể thao Việt Nam tại sân chơi cao nhất của thế giới. Đến năm 2008, tại Olympic Bắc Kinh, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn giành 1 Huy chương Bạc môn cử tạ. Tại Olympic 2016 tổ chức ở Brazil, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã tạo nên kỳ tích cho thể thao Việt Nam với 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc trong môn bắn súng.

Tuy nhiên, nếu xét về tổng thể, thành tích của thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympic còn rất khiêm tốn nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan. Thậm chí, với các nội dung mũi nhọn là điền kinh và thể thao dưới nước, chúng ta chưa một lần giành được huy chương.

Để có mặt tại Olympic Tokyo 2020, việc giành đủ số vé theo chỉ tiêu đề ra là vấn đề rất gian nan. Còn nhớ, 4 năm trước, tại Olympic 2016, thể thao Việt Nam có 23 VĐV tham dự. Đến năm 2020, chúng ta đặt mục tiêu giành 20 vé tham dự Olympic, nhưng tính đến nay mới chỉ có 4 suất chắc chắn, gồm: Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung). Từ thực tế cho thấy, để giành được suất tham dự Olympic, các VĐV phải đạt trình độ dẫn đầu khu vực hay châu lục, trong khi đối với các môn Olympic thì thể thao Việt Nam chưa thật sự có nhà vô địch châu Á. Việc thực hiện mục tiêu giành thêm 16 suất tham dự Olympic 2020 lại càng khó khăn hơn với thể thao Việt Nam khi thời gian không còn nhiều vì tất cả các giải đấu sẽ kết thúc vào tháng 6 năm nay. Chưa kể, Việt Nam cũng chỉ có khoảng 60 VĐV trọng điểm ở 16 môn để chuẩn bị cho Olympic (tính cả những người đã giành vé). Đáng buồn nhất là trường hợp của “kình ngư” Ánh Viên. Là hy vọng lớn của thể thao Việt Nam trong việc góp mặt tại Olympic 2020, nhưng ở 2 nội dung tham dự Giải vô địch bơi lội thế giới năm 2019, Ánh Viên đều đạt thành tích rất thấp và không đạt chuẩn tham dự Olympic.

Dù biết sẽ rất khó khăn cho mục tiêu giành vé tham dự Olympic 2020, nhưng với những thành tích khá ấn tượng giành được tại SEA Games 30 (tổ chức ở  Philippines năm 2019), chúng ta vẫn hy vọng thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục bước lên tầm cao mới. Trong thời gian tới, các môn điền kinh, bắn cung, taekwondo, karate, bóng đá nữ… được kỳ vọng sẽ mang về thêm những tấm vé tham dự Olympic. Và không chỉ giành vé, thể thao Việt Nam còn đề ra mục tiêu: Phải giành được huy chương, phấn đấu có Huy chương Vàng tại kỳ Olympic năm nay.