Những năm gần đây, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động sức dân để làm đường giao thông nông thôn, không những đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển, bộ mặt làng quê khởi sắc.
Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường từ xóm Đầu Phần đi xóm Nhân Hòa, Phúc Hòa, ông Trần Văn Điển, Bí thư Chi bộ xóm Đầu Phần phấn khởi nói: Tuyến đường này được làm trước năm 2003, các phương tiện giao thông qua lại nhiều làm tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2019, xóm được xã cho chủ trương làm đường. Ban Chi ủy xóm chúng tôi đã bàn bạc kỹ lưỡng, dân chủ, công khai nên người dân đồng tình ủng hộ, đóng góp tiền, ngày công, tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất vườn, đất ruộng để làm đường. Sau hơn 3 tháng, xóm chúng tôi đã cải tạo, làm xong đoạn đường hơn 1km, bề rộng mặt đường 5m, có những đoạn cua rộng tới 6m.
Tuyến đường liên xóm từ Đồng Tranh đến Làng Mon dài gần 3km hiện nay cũng đã được mở rộng từ 3m lên thành 5m, giúp bà con đi lại, giao thương thuận lợi. Ông Dương Văn Vượng, một người dân trồng hoa của xóm Làng Mon, chia sẻ: Tuyến đường đi qua vùng trồng rau, hoa trọng điểm của xã Thịnh Đức. Trước kia, đường nhỏ, hẹp đi lại rất khó khăn, nay đường rộng, chúng tôi chở vật tư nông nghiệp phục vụ chăm sóc đồng ruộng hết sức thuận lợi. Để mở rộng tuyến đường này, các xóm đã rất tích cực, người dân luôn đồng thuận, sẵn sàng đóng góp ngày công, kinh phí đối ứng, hiến đất để phục vụ công việc chung của xóm.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Năm 2016, xã Thịnh Đức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên tiêu chí giao thông lúc đó được xét theo bộ tiêu chí cũ (chỉ yêu cầu đường bê tông rộng 3m), so với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay của địa phương là không còn phù hợp. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Thịnh Đức đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước theo cơ chế 30-70 (nhân dân đối ứng kinh phí 30%, Nhà nước hỗ trợ 70%), Đảng ủy xã Thịnh Đức đã ra nghị quyết về việc nâng cấp và mở rộng các tuyến đường. Chủ trương nghị quyết đưa ra phải làm đường rộng đạt tiêu chí từ 5m trở lên. Theo đó, xã đã xây dựng kế hoạch, giao cho các xóm chủ động đăng ký, tự lựa chọn nhà thầu thi công. Mọi khoản tiền thu, chi đều được công khai, thông báo rộng rãi đến từng hộ dân. Để khoan sức dân, các xóm làm đường cũng quy định đóng góp tiền đối ứng của các hộ thành nhiều lần. Với cách làm này, từ năm 2017 đến nay, Thịnh Đức đã làm được trên 14km đường giao thông nông thôn. Xã đã huy động được trên 3 tỷ đồng (kinh phí đối ứng), trong đó các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đóng góp hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ cho việc làm đường...
Chia sẻ với chúng tôi về “bí quyết” huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn, ông Lê Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức cho hay: Trong quá trình làm đường không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp thuận lợi, nhưng chúng tôi luôn biết phát huy nội lực từ nhân dân. Muốn làm tốt điều này, cán bộ phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Ở địa phương chúng tôi có những trường hợp rất nghèo nhưng họ vẫn sẵn sàng hiến cả vài trăm mét vuông đất để phục vụ làm đường. Điển hình như hộ bà Phạm Thị Sâm, xóm Đức Hòa, việc làm của bà rất đáng nêu gương, chúng tôi cũng đã đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen cho gia đình bà.