Sau 8 năm triển khai, Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone ở huyện Đại Từ đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, tập trung lao động, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.
Mỗi ngày, vào đúng 6 giờ 30 phút sáng, anh H.M.P ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) lại có mặt tại Cơ sở điều trị Methadone gần nhà để uống thuốc trước khi bắt đầu ngày làm việc mới. Anh P chia sẻ: Tôi nghiện ma túy từ năm 2007. Ban đầu, mỗi ngày tôi tốn khoảng 40 nghìn đồng mua ma túy nhưng sau đó số tiền tăng dần, có khi “đốt” đến hơn 1 triệu đồng. Năm 2013, được sự giới thiệu của Công an thị trấn, tôi đã tham gia điều trị Methadone. Từ sau khi điều trị đến nay, tôi đã đoạn tuyệt với ma túy, sức khỏe và tinh thần ổn định hơn.
Còn anh N.V.B ở xã Yên Lãng (Đại Từ) cho hay: Trước đây, ngày nào tôi cũng phải đón xe buýt đi hơn 15km đến trung tâm huyện Đại Từ rồi đi bộ gần 1km đến Cơ sở điều trị để uống thuốc. Tuy nhiên, hiện nay, tôi được chuyển về điều trị tại Điểm cấp phát thuốc tại Trạm Y tế xã Na Mao, việc điều trị đã thuận lợi hơn. Sau khi điều trị Methadone, sức khỏe của tôi đã ổn định, không còn xuất hiện những cơn “vật” ma túy. Được sự giới thiệu của anh em cùng điều trị, tôi tìm được việc làm tại 1 xưởng cơ khí với mức thu nhập ổn định.
Được biết, từ năm 2011, huyện Đại Từ triển khai đề án Duy trì và mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone giai đoạn 20152020. Đến nay, toàn huyện đã điều trị cho 1.267 lượt bệnh nhân tại Cơ sở điều trị Methadone huyện Đại Từ và 2 điểm cấp phát thuốc tại Trạm y tế xã Bản Ngoại và Na Mao. Bên cạnh hoạt động điều trị cho bệnh nhân, Cơ sở còn tổ chức lao động, giáo dục tâm lý cho bệnh nhân. Cùng với đó, bệnh nhân còn tham gia sinh hoạt theo nhóm nhỏ với nội dung liên quan đến quá trình điều trị, cách phòng tránh một số bệnh thường gặp trong cuộc sống, phổ biến các thông tin thời sự, an ninh trật tự ở địa phương… Cơ sở còn thường xuyên sinh hoạt, tập huấn cho bệnh nhân về các chuyên đề: Ma túy tổng hợp, ảnh hưởng của rượu bia đến điều trị Methadone, phòng chống tác hại của thuốc lá…
Qua thực tế triển khai điều trị cho thấy, nhiều bệnh nhân đã kiên trì, tuân thủ tốt điều trị, từng bước hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý, có thể làm việc, lao động bình thường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Nhiều bệnh nhân đã có thay đổi rõ về thể chất, giao tiếp tự tin, cải thiện mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Trong đó, không ít người đã tìm được việc làm ổn định. Điều trị Methadone cũng giúp giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện, hạn chế gia tăng các tội phạm liên quan đến ma túy, buôn bán, sử dụng ma túy, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội.
Theo kết quả kiểm tra của Trung tâm Y tế huyện Đại Từ đối với các bệnh nhân đã điều trị Methadone trên 12 tháng, tỷ lệ người còn sử dụng ma túy chỉ chiếm 5,8% (trước khi điều trị Methadone, tỷ lệ này là 100%). Từ chỗ người bệnh đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, 8 năm qua, tại cơ sở không ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào nhiễm HIV mới. Nếu như số bệnh nhân trước khi điều trị được dùng ARV chỉ chiếm 49,5% thì sau khi điều trị Methadone, tỷ lệ này đã đạt 100%. 100% số bệnh nhân của Cơ sở được khám sàng lọc phát hiện bệnh Lao, xét nghiệm các bệnh viêm gan B, viêm gan C định kỳ, được tư vấn cách phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, chuyển điều trị các bệnh. Theo ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ: Chương trình đã đạt được các mục tiêu đề ra, đó là giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền do tiêm chích ma tuý, bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Tuy nhiên, công tác điều trị Methadone trên địa bàn vẫn còn khó khăn, lượng bệnh nhân bỏ điều trị vẫn còn cao, có thời điểm lên đến hàng chục người. Đáng lo ngại hơn là hiện tượng bệnh nhân vẫn sử dụng ma túy tổng hợp trong quá trình điều trị đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở giới trẻ. Không ít bệnh nhân đến điều trị tại cơ sở điều trị của chúng tôi với nhiều biểu hiện sau khi sử dụng ma túy tổng hợp.
Để nâng cao hiệu quả công tác điều trị Methadone, trong thời gian tới, huyện Đại Từ sẽ tăng cường phối hợp đồng bộ trong các hoạt phòng, chống ma tuý, mại dâm, truyền thông giáo dục sức khỏe, quản lý các đối tượng nguy cơ cao. Bên cạnh đó, để điều trị Methadone thực sự mang lại hiệu quả và bền vững, huyện sẽ huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động để người nghiện ma túy nhận thức được hiệu quả của việc cai nghiện bằng điều trị Methadone, từ đó tự nguyện tham gia và tuân thủ nghiêm túc quá trình điều trị. Bên cạnh đó, đề xuất các cơ quan chuyên môn nghiên cứu phương hướng hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm phù hợp, lâu dài cho bệnh nhân, giúp họ ổn định tư tưởng, tránh tái nghiện.