Công tác dân tộc và chính sách dân tộc là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện tốt các chính sách và phát huy hiệu quả thì cần sự vào cuộc, phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp. Xác định rõ điều này, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh luôn chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp để đưa các chính sách đến với đồng bào.
Thái Nguyên hiện có 46 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên 384 nghìn người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh; có 124 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi, trong đó có 36 xã với 542 xóm, bản đặc biệt khó khăn. Những năm qua, công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được tỉnh quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của bà con cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị đã thực hiện tốt việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình triển khai các chính sách, công tác dân tộc, làm cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đối với các nội dung đột xuất, các ngành có sự trao đổi, cung cấp thông tin hai chiều khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác dân tộc để nắm tình hình và phối hợp trong quá trình triển khai, thực hiện.
Có thể nói, tuy mỗi sở, ban, ngành có một chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng vì mục tiêu chung, Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan liên quan đã phối hợp, tham mưu để tỉnh ban hành các chủ trương, quyết sách để triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc phù hợp. Chẳng hạn trong năm qua, Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, tổng hợp số lượng những trường, lớp thuộc các bậc học để đề nghị Ủy ban Dân tộc cấp báo, tạp chí cho các lớp thuộc các trường vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện các văn bản về công tác dân tộc, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đối với các cấp học, bậc học, đồng thời chỉ đạo về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vùng DTTS, miền núi. Nhờ đó, trong năm học 2019-2020, tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt tỷ lệ 100%. Trẻ 5 tuổi là người DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào học lớp 1 đạt tỷ lệ 100%. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục THCS của cả tỉnh cũng như vùng DTTS đều đạt mức độ 3 và mức độ 2. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cũng như chính sách cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại trường dân tộc nội trú, bán trú, vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện nghiêm túc.
Nhà nước đã xây dựng hệ thống đưa nước sạch đến các hộ đồng bào tộc Mông ở xóm Làng Giai, xã La Hiên (Võ Nhai).
Để nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở và đẩy mạnh các chính sách đến với bà con, Ban Dân tộc tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Riêng trong năm 2019, Ban Dân tộc phối hợp với MTTQ tỉnh và chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn cho gần 100 chủ tịch Ủy ban MTTQ xã vùng dân tộc và miền núi về công tác dân tộc. Ban cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị tổ chức 15 lớp cho hơn 1.000 học viên là trưởng các tổ, nhóm, cộng tác viên giảm nghèo, người DTTS tiêu biểu thuộc các xã, xóm hưởng Chương trình 135. Ngoài ra, Ban Dân tộc còn phối hợp với Sở Tư pháp và các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 300 người DTTS là bí thư chi bộ, trưởng xóm, người có uy tín trong cộng đồng...
Dấu ấn nổi bật trong năm 2019 là Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành tham mưu cho tỉnh tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh lần thứ III; tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Mông tại huyện Đồng Hỷ và nhiều sự kiện văn hóa xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh. Ban Dân tộc và các sở, ban, ngành thường xuyên phối hợp nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các DTTS, các tín đồ tôn giáo phản ánh với Đảng, Nhà nước, đồng thời đề xuất và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền, cấp ủy, chính quyền địa phương để giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, bức xúc hoặc giải quyết các vụ việc phát sinh trong vùng DTTS. Năm 2019, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) phối hợp với Công an tỉnh đã tổ chức 15 đợt thực tế cơ sở tiếp xúc, gặp gỡ các chức sắc, tín đồ đạo Tin lành, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Mông để động viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận động, hướng dẫn những người theo các tà đạo, tổ chức tự xưng, bất hợp pháp sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng quy định của pháp luật…
Có thể khẳng định, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp mà công tác tuyên truyền, triển khai các chính sách về dân tộc đến với đồng bào đạt được nhiều kết quả tích cực. Các chương trình, dự án đầu tư vùng đồng bào DTTS phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng. Từ đó giúp UBND tỉnh làm tốt công tác quản lý Nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Năm 2019: Tỷ lệ hộ nghèo ở 124 xã vùng dân tộc miền núi của tỉnh giảm 2,13% (từ 8,3% xuống 6,17%), tỷ lệ hộ nghèo 36 xã đặc biệt khó khăn giảm 4,77% (từ 18,48% xuống còn 13,71%), đưa Thái Nguyên tăng 3 bậc, xếp thứ 2 trong 11 tỉnh miền núi vùng Đông Bắc có tỷ lệ hộ nghèo thấp. Cũng trong năm 2019, Thái Nguyên được Chính phủ ra quyết định công nhận 19/63 xã, 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (là tỉnh đạt kết quả cao nhất toàn quốc). Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 74/114 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (cao gấp đôi bình quân chung của vùng DTTS và miền núi toàn quốc). Đến nay, 76/76 xóm, bản trước đây chưa có điện nay đã cơ bản có điện lưới Quốc gia sử dụng... Đây là cơ sở, động lực để Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan, ban, ngành tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.