Tỷ lệ hộ nghèo giảm đến 17,92%; cận nghèo giảm gần 10% so với năm 2015 - đây được coi là một trong những thành công về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Định Hóa từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Điều này xuất phát từ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng việc linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn và hình thức hỗ trợ phù hợp để những hoàn cảnh khó khăn chủ động vươn lên.
Giảm nghèo vốn được coi là “bài toán” khó đối với Định Hóa. Nguyên nhân có nhiều, từ khách quan là xuất phát điểm thấp, thiếu tư liệu sản xuất và điều kiện hạ tầng nông thôn khó khăn; đến chủ quan là một số nơi chưa thực sự quyết liệt, một bộ phận người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo để được hưởng cơ chế ưu đãi của Nhà nước…
Các đây chừng 3 năm, trong một lần thực tế ở xã vùng cao Linh Thông, Bí thư Đảng ủy Hoàng Thị Minh đã nói với chúng tôi đầy băn khoăn: Mang tiếng là xã miền núi nhưng đất rừng sản xuất ở Linh Thông không đáng kể vì phần lớn quy hoạch thành rừng phòng hộ và đặc dụng. Diện tích đất trồng lúa nhỏ hẹp và phân tán, tính chia trung bình mỗi nhân khẩu chưa nổi một sào. Mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế còn rất ít, mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nên dù có cố gắng thì tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cộng lại vẫn cao đến hơn 60%. Gặp lại lần này, cũng nói về câu chuyện thoát nghèo nhưng bà Minh tỏ vẻ phấn khởi hơn nhiều: Nhờ chỉ đạo quyết liệt, lồng ghép các nguồn lực và xác định từng đối tượng để có phương án hỗ trợ phù hợp nên chúng tôi đã làm tốt hơn công tác giảm nghèo. Trung bình mỗi năm xã giảm hơn 10% hộ nghèo và cận nghèo.
Công tác giảm nghèo luôn được huyện Định Hóa xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Minh chứng là có tới 6/9 chương trình, đề án do Huyện ủy và UBND huyện triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 có liên quan đến giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân. Cụ thể là: Chương trình giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và sinh kế bền vững; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp làng nghề, thương mại - dịch vụ phục vụ du lịch; tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới; bảo vệ và phát triển rừng ATK Định Hóa. Tuy nhiên, trong những năm đầu của giai đoạn thì kết quả lại không được khả quan. Năm 2016, Định Hóa giảm 3% số hộ nghèo nhưng hộ cận nghèo lại tăng 0,81%; năm 2017 giảm 3,3% hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục tăng 0,42%.
Đồng chí Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy Định Hóa cho rằng: Huyện thực hiện nhiều chương trình, đề án nhưng chưa đồng bộ và gắn kết chặt chẽ với nhau; các giải pháp còn chung chung, thiếu thực tiễn khiến kết quả giảm nghèo thấp và chưa bền vững. Tiếp tục tình trạng như vậy thì chắc chắn không hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết. Chính vì vậy, đầu năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Định Hóa đã thống nhất ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh chương trình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2018-2020. Trong đó xác định vai trò quan trọng nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của cấp ủy, chính quyền các cấp; huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo. Với các hộ dân chủ động đăng ký thoát nghèo sẽ được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ và mô hình sản xuất phù hợp, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để đi làm tại các nhà máy, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Nhờ được hỗ trợ về vốn và tập huấn kỹ thuật, gia đình bà Lộc Thị Nhẫn, ở xóm Đồng Uẩn, xã Phúc Chu (Định Hóa) đã vươn lên thoát nghèo cuối năm 2018.
Gia đình bà Nguyễn Thị Gái, ở xóm Nà Mùi, xã Phú Đình là một trong những trường hợp thoát nghèo điển hình ở Định Hóa. Năm 2018, khi trao đổi với chúng tôi, bà cứ luôn miệng kêu khổ rằng: Nhà tôi thiếu đất sản xuất, tận 6 nhân khẩu nhưng chỉ có 4 sào ruộng và chè, phần lớn chè mới trồng nên chưa được thu hoạch. Năm 2011, xóm xét gia đình thoát nghèo sau khi được hỗ trợ mua trâu sinh sản. Tuy nhiên, ngay sau đó nhà có người bị ốm phải đi cấp cứu, gia sản lớn nhất là con trâu phải bán đi lại tiếp tục tái nghèo”. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy Phú Đình, Chi bộ Nà Mùi đã xây dựng nghị quyết phấn đấu ít nhất 3 hộ thoát nghèo năm 2019, trong đó có gia đình bà Gái. Chi bộ phân công một đảng viên trực tiếp giúp đỡ, gia đình được ưu tiên vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi và một máy gặt tay giúp có thêm thu nhập. Đồng thời được hỗ trợ làm mới một căn nhà gỗ thay thế căn nhà sàn đã xuống cấp trước đây. “Các nguồn hỗ trợ là cái vốn ban đầu, nhưng quan trọng là chúng tôi được hướng dẫn tận tay về kỹ thuật, biết cách đầu tư đúng hướng và ý thức là tự mình phải vươn lên chứ không ỷ lại nữa” - bà Gái chia sẻ.
Cùng với gia đình bà Gái, từ năm 2016 tới nay, trên địa bàn Định Hóa đã có 4.597 hộ thoát nghèo. Đáng chú ý là những năm sau của giai đoạn 2016-2020 thì tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo có mức giảm đột biến. Năm 2018, huyện giảm 6,95% số hộ nghèo và 6,78% hộ cận nghèo; năm 2019 kết quả tương ứng là 4,67% và 4,34%. Nhờ vậy, huyện vượt chỉ tiêu giảm nghèo cả nhiệm kỳ so với mục tiêu nghị quyết. Dự kiến, tổng nguồn vốn huy động từ năm 2016 đến hết 2020 cho chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo của huyện là hơn 2.000 tỷ đồng. Trong tổng chung này, Định Hóa ưu tiên nhiều cho hỗ trợ phát triển hạ tầng nông thôn, nhà ở, thiết bị máy móc và nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, giúp người dân có chiếc “cần câu” để tự vươn lên thoát nghèo bền vững.