Bóng chuyền hơi là môn thể thao hội tụ các ưu điểm: Nhẹ nhàng; không yêu cầu cao về thể lực; chi phí thấp; nhiều người ở các độ tuổi khác nhau có thể cùng chơi, luật chơi cũng đơn giản, nhưng sôi động, hào hứng và an toàn. Chính vì thế mà từ khoảng 5 năm gần đây, môn thể thao này trở thành “lực hấp dẫn” thu hút một số lượng lớn người tham gia, nhiều nhất vẫn là người trung, cao tuổi, phụ nữ và các cháu thiếu niên.
Ông Tạ Đình chiến, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Thể dục thể thao (sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Phong trào chơi bóng chuyền hơi nở rộ từ trung tâm thành phố, thị xã đến các xóm, tổ dân phố. Ở đâu có sân chơi, bãi tập thì ở đó có bóng chuyền hơi. hiện toàn tỉnh có 2.600 sân bóng chuyền, với hàng nghìn người thường xuyên tham gia chơi bóng chuyền hơi. Đã có hàng trăm câu lạc bộ bóng chuyền hơi được thành lập, các thành viên tự nguyện đóng góp tiền mua lưới, bóng, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng để tập luyện và thi đấu giao lưu giữa các câu lạc bộ.
Theo luật chơi, cứ 5 người lập thành 1 đội, vì số người tham gia đông, nên có nhiều sân người chơi phải đứng ngoài làm khán giả đợi lượt. Thú vị nhất khi chứng kiến các đội chơi là các gia đình tự đấu giao hảo với nhau; Hoặc bên đội nữ đấu với bên đội nam mà không chấp bóng. Với tinh thần bình đẳng trên sân, cùng chơi bóng của mọi người đã tạo được không khí phấn chấn cùng tiếng cổ vũ sôi nổi của mọi người.
Với tinh thần vừa chơi, vừa phổ biến về luật bóng, kỹ thuật bóng nên hầu hết người chơi nhanh chóng nắm bắt được các quy định chơi bóng cơ bản trong sân. Bà Hoàng Thị Hiền, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) chia sẻ: Thời gian đầu mới chơi bóng, tôi chỉ mong đánh được bóng qua lưới, sang sân bạn là được. Nhưng càng chơi, càng hứng thú vì thấy môn bóng đòi hỏi một số kỹ thuật mà người chơi cần phải tập luyện nhiều mới làm chủ được đường chuyền. Còn ở xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên), ông Dương Văn Phúc cho biết: Ban đầu tôi nghĩ môn bóng chuyền hơi là dành cho “cánh” chị em. Mình chỉ tham gia cho đủ chân của đội. Nhưng chơi rồi mới thấy cánh chị em dẻo dai sức, mình theo cũng mướt mồ hôi... Ở một số cơ quan, đơn vị, trường học, chơi bóng chuyền hơi cũng “ngấm sâu vào máu” nhiều người, vào cuối giờ làm việc mỗi ngày, mọi người lại hò nhau ra sân với quả bóng chuyền hơi.
Bên sân nhà văn hóa tổ dân phố Đồng Bẩm, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), ông Lương Văn Vinh chia sẻ: Nhà tôi cả 2 vợ chồng cùng tham gia chơi bóng chuyền hơi. Có hôm thì vợ chồng mỗi người một đội. Có hôm cả vợ cùng chồng ở một đội. Không quan trọng chuyện hơn thua, về nhà vợ chồng lại chuyện “bóng ông, bóng bà”, không khí trong nhà luôn vui vẻ.
Nói về phong trào chơi bóng chuyền hơi, bà Trần Thị Phương thảo, Phó Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Hỷ tâm đắc: cũng như nhiều môn thể thao khác, bóng chuyền hơi không chỉ “bồi bổ” thêm sức khỏe cho người tham gia tập luyện, mà còn tạo sự gắn kết, đồng thuận giữa mọi người trong cộng đồng xã hội và góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình…
Phong trào chơi bóng chuyền hơi đã tạo được sân chơi lành mạnh tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Tạo không khí thi đua phấn chấn, tinh thần thoải mái, thể lực người tham gia tập luyện được nâng cao, góp phần thực hiện thành công Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư cũng như các cơ quan, đơn vị của tỉnh.