Thái độ vô tâm, chủ quan và tùy tiện trong việc phòng tránh sự lây lan dịch bệnh lúc này là điều cần phải lên án. Nhưng việc thổi phồng lên, tìm cách nghiêm trọng hóa vấn đề, hoặc lo lắng thái quá lại cũng là điều không chấp nhận được.
Lời cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Cánh cửa kiểm soát dịch COVID-19 đang hẹp dần”, và những con số về người nhiễm bệnh, người tử vong vì virus Corona mỗi ngày một tăng, thực sự gây lo ngại cho bất cứ ai, kể cả những người bàng quan nhất. Vì thế rất dễ hiểu, khi một người bạn của tôi đã tỏ ra phẫn nộ và chỉ trích gay gắt người bán hàng, khi thấy cô gái này vô tư, không thèm đeo khẩu trang với lý do: “Toàn người quen cả”...
Thực tế có một bộ phận không nhỏ vẫn tư duy theo kiểu: “chắc nó chừa mình ra”…(!). Gần đây nhất là sự kiện đã làm “dậy sóng” cộng đồng mạng và gây bức xúc trong xã hội, đó là cảnh đám đông thành kính, chen chúc đi lễ phủ Tây Hồ. Hình như họ cố kiếm tìm một cứu cánh trong cơn “bĩ cực” đang diễn ra trên toàn thế giới, hay chỉ đơn giản là thói quen “Không đi không chịu được”, "Có thờ có thiêng“… Dù thế nào đi chăng nữa, sự vô cảm, thờ ơ, hay thiếu trách nhiệm của một số cá nhân giữa đại cục hiện nay cũng là điều đáng lên án.
Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu lo lắng, sợ hãi, dẫn đến phản ứng một cách thái quá, cũng là điều cần phải bàn đến ở đây. Bởi trong thực tế, đã có khá nhiều những “tin độc”, tin giả tạo nên các cơn khủng hoảng, gây bất an trong cộng đồng. Ai cùng biết rằng, những tin như vậy sẽ không đem lại ích lợi gì, nếu không nói rằng, đôi khi nó vô cùng nguy hiểm.
Tôi nhớ đến câu chuyện “nằm lòng” trong các chương trình đào tạo doanh nhân: Hiệu ứng con gián. Chuyện rằng, trong một cửa hàng, đang lúc đông khách, bỗng có một con gián bay tới và đậu trên vai một vị khách. Bị bất ngờ và vô cùng hoảng sợ, người này hét toáng và nhảy dựng lên. Con gián lại đậu vào một người khác, lại những tiếng la hét ầm ĩ. Đám đông không biết chuyện gì xảy ra, chỉ nghe thấy tiếng hét thất thanh và thái độ sợ hãi của mấy vị khách, thế là xảy ra tình trạng hỗn loạn, hoảng sợ. Người ta chen chúc, xô đẩy nhau mà không biết rằng, họ đang tránh một con gián bé tí. Đám đông có nguy cơ thiếu kiểm soát, hậu quả có thể sẽ nghiêm trọng. Bỗng người bảo vệ chạy đến, anh ta nhẹ nhàng bắt con gián, giơ lên cho mọi người xem và rồi nhẹ nhàng vứt con gián đi. Đám đông thở phào, nhìn nhau, ai nấy đều thẹn thùng, hoá ra họ đã sợ hão...
Câu hỏi đặt ra là: Con gián có phải là nguyên nhân gây ra sự hoảng loạn? Liệu sự xuất hiện của nó có gây nguy hiểm đến độ người ta sợ hãi quá lên thế không? Hay chính trạng thái phản ứng tức thì mà thiếu quan sát, xem xét của một số cá nhân đã tạo hiệu ứng đám đông mới là căn nguyên của sự hỗn loạn. Và rốt cục, để giải quyết tình trạng trên, chỉ cần bình tĩnh một chút, có cách xử lý phù hợp một chút thì mọi điều sẽ khác.
Quay trở lại câu chuyện của đại dịch mà toàn cầu đang phải đối mặt. Như trên chúng tôi đã nói, thái độ vô tâm, chủ quan và tuỳ tiện trong việc phòng tránh sự lây lan dịch bệnh lúc này là điều cần phải lên án. Nhưng việc thổi phồng lên, tìm cách nghiêm trọng hóa vấn đề, hoặc lo lắng thái quá lại cũng là điều không chấp nhận được. Không ít facebooker rất giỏi luận suy, hư cấu. Các nguồn tin thông qua bàn phím của họ, đã được “nhào nặn, thêm mắm, thêm muối”, “tam sao thất bản”, đủ “hù doạ” cư dân mạng. Cũng không ít người vừa tiếp nhận thông tin vỉa hè, truyền miệng, thậm chí cả những thông tin ngụỵ tạo, đã ngay lập tức “like, comment và share”, thay vì tiếp nhận thông tin từ những kênh chính thống, hoặc thận trọng, kiểm chứng thông tin để đảm bảo tính xác thực. Nếu chỉ vì “lây” sự hoảng sợ, rồi “truyền căn bệnh” đó sang cho những người khác, bạn có thể đã không biết rằng, mình đang trực tiếp hoặc gián tiếp châm ngòi cho một cơn hoảng loạn mới. Còn nếu sợ đến mức, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi virus, đến độ mất ăn, mất ngủ vì nó, làm đủ cách, đủ kiểu phi khoa học để chống virus, lại cũng là điều nguy hiểm. Ví như việc uống tới 15 viên thuốc có chứa hoạt chất chloroquine và hydroxychloroquine dùng cho việc chữa bệnh sốt rét để phòng virus Corona; hay việc không tiếc tiền mua “bùa đeo phòng virus” bán tràn lan trên mạng, hoặc sắm những bộ đồ “bảo hộ” có thể khiến virus phải tránh xa... Đây là kiểu mà người xưa vẫn nói “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”.
Đối mặt với dịch bệnh một cách bất chấp, hay chạy trốn nó đều không phải là hành vi được khuyến khích. Nó cũng không giúp chúng ta cải thiện được tình thế. Một thái độ bình tĩnh, sự cẩn trọng trong ứng xử, hành động, đó là những gì cần làm lúc này. Đặc biệt, hãy tin tưởng vào những quyết sách của cơ quan chức năng, bởi nó đều xuất phát từ sự phân tích, tính toán để ứng phó với dịch bệnh, với mục đích đem lại sự an toàn cho người dân, đảm bảo ổn định xã hội. Vì thế, thay vì phán xét, người dân cần phải quan tâm và thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Không ai, không nhà nước nào có thể thành công nếu không có sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân. “Hiệu ứng con gián” ở chiều ngược lại, nếu khởi phát từ những phản ứng, hành vi tích cực, sẽ có giá trị lan toả những điều tốt đẹp. Có vậy, chúng ta mới hi vọng giành được thắng lợi trong cuộc chiến này./.