Ấm áp tình người

21:52, 18/04/2020

Một chiều trung tuần tháng Tư, đi dưới trời đầy nắng, lòng bình yên khi nghe những câu chuyện về sự sẻ chia ấm áp tình người. Đó là những câu chuyện về biết bao cảnh đời không may mắn đã được giúp đỡ để từng bước ổn định cuộc sống.

Ví như bà Giáp Thị Sen, xóm Trại, xã Tân Kim (Phú Bình) được các nhà tài trợ giúp đỡ 50 triệu đồng để làm nhà ở. Bà Sen xúc động: Với tôi, hạnh phúc là vào đêm mưa không phải choàng dậy dùng xô chậu hứng nước trên giường. Từ trước Tết Nguyên đán năm 2020, giấc mơ ấy của tôi đã trở thành hiện thực. Cùng ở xóm Trại, gia đình ông Nguyễn Đình Nam được Quỹ Vì người nghèo của tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để làm lại nhà ở mới. Ông Nam cho biết: Dù cuộc sống của gia đình chưa hết khó khăn, nhưng tôi thấm thía sâu sắc tình người. Với tôi, thế là đủ hạnh phúc.

Với người nghèo, người yếu thế trong xã hội thì hạnh phúc là những thứ có thể “cầm nắm” được, như cơm ăn, áo mặc, lớn hơn nữa là ngôi nhà không bị mưa dột, gió lùa. Các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã không trừu tượng hóa nghĩa của từ hạnh phúc, mà cụ thể hóa bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân. Như năm 2019, Quỹ Vì người nghèo các cấp đã huy động được hơn 109 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền Quỹ đều được chuyển đến đúng các địa chỉ cần được giúp đỡ. Ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng phòng Xây dựng đời sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch) chia sẻ: Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc ánh lên từ đôi mắt giữa người cho và người nhận. Ví như mỗi độ Tết đến Xuân về, nhiều hộ nghèo đi nhận quà Tết, bước chân phấn chấn, nụ cười tươi rói vì nhà có thêm “lễ vật” dâng cúng tổ tiên.

Hạnh phúc bình dị của đời thường là mỗi người biết sẻ chia trong cuộc sống. Thế mới có Quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội; Quỹ Tấm lòng vàng để gom lại cử chỉ, hành động hướng thiện của mọi người. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” - đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là định hướng cho mọi người cùng hành động giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh có gần 49.000 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; gần 32.000 học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí; hơn 23.000 học sinh, mẫu giáo thuộc hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập, với số tiền hơn 17,3 tỷ đồng; hơn 15.000 học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa, với tổng kinh phí hơn 15,5 tỷ đồng; hơn 7.600 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, với tổng số tiền cho vay hơn 398 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Được chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh, xóm Bầu, xã Huống Thượng (TPTN) đã tập trung trồng giống ngô lai P4300 biến đổi gien. Năm 2019, gia đình bà thu hoạch được 20 tấn ngô.

Ông Vũ Thăng Long, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phú Lương cho biết: Trên địa bàn huyện, các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng, nhất là chính sách về bảo hiểm y tế; hỗ trợ về giáo dục; tín dụng ưu đãi; dạy nghề; tạo việc làm; hỗ trợ nhà ở và nhiều chính sách an sinh xã hội khác như hỗ trợ cấp phát gạo, hỗ trợ tiền điện, nước… Về xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương), bà Trần Thị Bình, Trưởng xóm cho biết: Xóm có 52 hộ, gần 50% là người đồng bào dân tộc Mông. Từ 5 năm gần đây, xóm đã có đường bê tông, nhà văn hóa, hệ thống nước sạch. Đời sống kinh tế của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Như để minh chứng lời mình nói, bà Bình dẫn tôi đến thăm gia đình ông Lý Văn Thành. Ông Thành khoe: Tôi có vườn na 3 năm tuổi, với 1.000 gốc đã cho quả vụ đầu. Toàn bộ cây na giống đều do Nhà nước hỗ trợ.

Chuyện giảm nghèo, ở thị xã công nghiệp trẻ Phổ Yên, trong thời gian 5 năm gần đây đã có 3.689 người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề; 12.000 lao động được tạo việc làm có thu nhập ổn định; hàng nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tiền điện, nước và tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý. Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay, khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình giảm nghèo ở vùng nông thôn được nhân rộng. Bà Trần Thị Chinh, xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) cho biết: Được lãnh đạo địa phương khuyến khích, năm 2017 gia đình tôi đầu tư chăn nuôi gà, quy mô 5.000 con/lứa, nuôi 3 lứa/năm, sản lượng gà cả năm đạt hơn 30 tấn, trừ chi phí đầu tư còn có lãi hơn 400 triệu đồng/năm.

Thoát nghèo bền vững, cơ hội để các thành viên trong gia đình khẳng định vị trí, vai trò trong tạo lập, vun đắp hạnh phúc của mình. Và từ những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh, còn thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp, ngành đã luôn vì dân, lo cho mọi người dân được thực sự hạnh phúc.