Sáp nhập xóm, tổ dân phố nhằm giảm sự cồng kềnh của bộ máy, hệ thống chính trị ở cơ sở để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Với sự chủ động tích cực trong tuyên truyền, các cấp, ngành trong tỉnh đã tạo được sự đồng thuận cao khi thực hiện chủ trương này. Tuy nhiên, sau sáp nhập cũng phát sinh một số bất cập, dễ nhận thấy nhất là việc sử dụng các công trình nhà văn hóa (NVH). Thực tế ở T.X Phổ Yên cho thấy điều này.
Trong số các xã, phường của T.X Phổ Yên, Tân Hương là xã thực hiện sáp nhập xóm nhiều nhất, từ 20 xuống còn 8 xóm. Trong đó, có những xóm mới được thành lập trên cơ sở toàn bộ dân cư của 3 xóm liền kề như: Ao Đình, Đình và Sứ thành xóm Tân Thịnh; Đông, Bắc, Phong Niên thành xóm Duyên Bắc; Tân Long 1, 2, 3 thành xóm Tân Long. Ông Nguyễn Minh Tân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Chúng tôi đã tổ chức họp lấy ý kiến người dân và cơ bản nhất trí cao chủ trương. Bà con trước kia vốn cùng một thôn hoặc hợp tác xã nay lại trở về sinh hoạt như cũ. Sau khi sáp nhập, Đảng ủy xã chỉ đạo sớm kiện toàn nhân sự chi bộ, trưởng xóm và các đoàn thể. Việc triển khai các nhiệm vụ ở cơ sở cũng bước đầu đi vào nền nếp. Vướng mắc lớn nhất hiện tại là việc bố trí sử dụng nhà văn hóa.
Xóm Tân Long, xã Tân Hương sau khi sáp nhập có quy mô 230 hộ dân, chia thành 2 miền rõ rệt bởi tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ông Bá Văn Giang, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Địa bàn rộng và ngăn cách là một trong những khó khăn khi tổ chức, triển khai các hoạt động tập thể. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi băn khoăn hơn cả là xóm có tới 3 nhà văn hóa. Thừa về số lượng nhưng lại vẫn thiếu chỗ sinh hoạt chung. Lý do là mỗi công trình chỉ có quy mô từ 80-100 chỗ ngồi, phù hợp với số dân từng xóm trước kia. Khi sáp nhập thì số hộ và nhân khẩu tăng gần 3 lần, chọn nơi nào họp thì cũng không đủ sức chứa; chia ra thì bất tiện. Phương án tình thế mà Tân Long thực hiện là luân phiên họp tổ đảng, đoàn thể ở các địa điểm; khi họp chung xóm thì chọn công trình rộng nhất, tuy nhiên là vẫn phải kê thêm ghế, thậm chí một số người phải đứng.
Việc sử dụng NVH cũng là trăn trở ở xóm Soi Trại, xã Đông Cao. Sau khi sáp nhập 2 xóm Soi và Trại, xóm mới có quy mô 186 hộ dân. “Cả hai công trình NVH đều xây cách đây chưa lâu, trong đó, NVH xóm Soi cũ đi vào sử dụng đầu năm 2015, tổng giá trị tới hơn 400 triệu đồng. Đó từng là niềm vui, tự hào và kết quả sự đoàn kết đóng góp kinh phí của bà con. Giờ ít sử dụng thì rõ ràng là lãng phí” - Bà Nguyễn Thị Mậu, Trưởng xóm Soi Trại buồn rầu nói. Hiện, Soi Trại chỉ sử dụng một nhà văn xóm Soi cũ vì mới và rộng hơn; công trình còn lại đóng cửa để đó. Bà Mậu thông tin thêm, hệ thống loa truyền thanh ở NVH hiện cũng không đáp ứng, không thể thông tin phủ khắp địa bàn xóm mới. Do đó, cần phải đầu tư thêm hoặc đấu nối sao cho phù hợp.
Là một trong những địa phương sớm hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới nên cơ bản các xóm, tổ dân phố ở Phổ Yên xây dựng được NVH đạt chuẩn. Từ năm 2020, thị xã sắp xếp, sáp nhập 58 xóm, tổ dân phố không đảm bảo về quy mô số hộ để thành lập 26 xóm, tổ dân phố mới. Tổng số giảm từ 328 xuống còn 296 xóm, tổ dân phố cũng đồng nghĩa với chừng ấy NVH thừa ra. Để có nơi sinh hoạt cộng đồng đáp ứng quy mô dân số, những nơi này cần xây mới hoặc lựa chọn cơi nới, mở rộng một trong số công trình NVH hiện có. Ông Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao cho rằng: Cả hai phương án nói trên đều vướng mắc. Chọn cơi nới, sửa chữa công trình cũ thì không đồng bộ thiết kế, chưa kể lựa chọn NVH cũ nào cũng không thể nằm ở trung tâm của xóm mới, xây mới lại tốn kém. Trước đây, để có một công trình NVH đạt chuẩn, bà con đã phải đối ứng số tiền khá lớn, giờ lại vận động đóng góp làm công trình khác không dễ, nhất là ở nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Theo chỉ đạo của cấp trên, các xóm, tổ dân phố sau khi sáp nhập ở Phổ Yên đang giữ nguyên hiện trạng và cơ sở vật chất trong các NVH cũ. Thực trạng này về lâu dài rõ ràng là một sự lãng phí. Do vậy, rất cần sớm rà soát và có phương án cụ thể đối với từng công trình, nơi nào phải xây mới; nơi nào có thể sửa chữa, nâng cấp để sử dụng, từ đó tránh lãng phí, thất thoát tiền hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực đóng góp của nhân dân.