Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo tạm dừng kinh doanh dịch vụ vận tải khách công cộng trên địa bàn từ 0 giờ ngày 30-3. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải khách đã nghiêm túc chấp hành, tuy nhiên còn một số người cung cấp dịch vụ vận tải khách gây bức xúc cho người dân…
“Sáng mai em từ Thái Nguyên - Hà Nội - T.P Vinh đến chiều lại quay ngược ra ai có nhu cầu đi lại thì alo em ah! 0974227xxx”; “Xe tìm khách 10h-11h ngày 3-4 từ Bắc Giang - Bắc Ninh Thái Nguyên nhận gửi đồ 0962090xxx”; “Xe em vẫn phục vụ khách đi lại 2 chiều Thái Nguyên - Hà Nội, đi các tỉnh (chỉ nhận bao xe) liên hệ 0385187xxx”; “Do tình hình dịch bệnh nên em ưu tiên nhận khách bao xe TN - HN. Nhận chạy hợp đồng các tỉnh giá tốt. Liên hệ ngay 0366430xxx”,… Chỉ cần dạo một vòng trên các trang mạng xã hội facebook, zalo vào các trang, nhóm như: Hội đi chung xe giá rẻ Thái Nguyên - Hà Nội - sân bay, Hội xe chung tiện chuyến Hà Nội - Thái Nguyên…, chúng ta thấy rất nhiều lời mời như thế này.
Đi chung xe là loại hình dịch vụ kinh doanh vận tải khách tự phát thông qua mạng xã hội đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây tại tỉnh ta. Những người có nhu cầu có thể gọi điện thoại cho tài xế mình quen biết để được ghép đi chung xe với người khác hoặc tự đăng thông tin có nhu cầu đi chung xe trên facebook, zalo của mình hoặc một số hội, nhóm liên quan. Phương tiện các tài xế sử dụng chủ yếu là xe riêng, xe gia đình 4, 5, 7 chỗ, không gắn mào, không có phù hiệu, không đăng ký kinh doanh. Cách thức phục vụ theo hình thức đón tận nhà, trả tận nơi. Đơn cử, giá dịch vụ tuyến Thái Nguyên - Hà Nội từ 120 - 150 nghìn đồng/người/lượt tùy điểm đón, trả; bao xe 1 chiều xe 4 chỗ khoảng 450 - 500 nghìn đồng, bao xe 7 chỗ từ 600 đến 700 nghìn đồng…
Điều đáng nói, trong khi người dân cả nước chung tay thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc, thì những hội, nhóm này vẫn hoạt động, bất chấp quy định của UBND tỉnh cũng như phớt lờ Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Họ vẫn đưa, đón, trả khách đi lại qua nhiều tỉnh, thành, trở về từ vùng có dịch; tiếp xúc với nhiều người, bỏ qua các khuyến cáo, qua đó có thể vô tình phát tán mầm bệnh và lây lan cho nhiều người. Ông Nguyễn Tiến Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Thái Nguyên cho biết: Loại hình xe đi chung gom khách online này đang có xu hướng phát triển mạnh và rất khó quản lý. Do các xe này không có giờ chạy cố định, cung đường cố định, hoạt động như xe gia đình nhưng thực chất có thu tiền và chạy với tần suất liên tục, tức là kinh doanh vận tải nhưng không nộp thuế. Về hướng xử lý, theo ông Vinh, việc xử lý loại hình vận tải này còn gặp nhiều khó khăn bởi mỗi ngày đều có người đăng nhưng không biết có khách đi hay không và đi vào lúc nào, ở đâu... để cơ quan chức năng nắm được, tổ chức phát hiện, xử lý. Vẫn biết tạm dừng hoạt động vận tải khách là việc làm chưa có tiền lệ nhưng trong thời điểm phòng, chống dịch thì mỗi cá nhân hãy tuân thủ và chấp hành tốt các quy định của các cấp, ngành để đổi lấy sức khỏe, bình an cho mình, gia đình và xã hội. Chúng tôi đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc, sớm xử lý các trường hợp cố tình vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải trái phép vào thời điểm này, chỉ vì lợi ích kinh tế của bản thân mà không màng tới sự an toàn của cả cộng đồng…