Quyền lợi chủ thể được quan tâm

10:57, 18/04/2020

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) được cả doanh nghiệp và người lao động đặc biệt quan tâm. 

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 3 trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Thái Nguyên, có 665 doanh nghiệp với trên 45.400 người lao động bị ảnh hưởng. Trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp trong các ngành: May mặc, sản xuất nông nghiệp, vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn… Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp đề xuất tạm dừng đóng BHXH; giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất. Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do phải chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc bởi ảnh hưởng dịch... Để gỡ khó cho doanh nghiệp, BHXH tỉnh đã chủ động xem xét giãn hoặc điều chỉnh việc thanh, kiểm tra cho phù hợp. Tuy nhiên, đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN…, cơ quan BHXH tỉnh vẫn thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định để đảm bảo giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng hoặc do thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giao. Đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với BHXH tỉnh hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Sau khi hết thời hạn tạm dừng đóng, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng.

Điều đáng mừng là trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn coi trọng quyền lợi của người lao động. Một số doanh nghiệp bố trí cho người lao động làm việc ổn định hoặc cho nghỉ hưởng nguyên lương. Ví dụ như Công ty TNHH khách sạn Grace (T.X Phổ Yên), mặc dù doanh thu thấp nhưng Công ty vẫn duy trì công việc và trả lương cho nhân viên. Trong trường hợp phải cho một số nhân viên nghỉ không lương, Công ty cam kết vẫn chi trả tiền BHXH cho nhân viên (đóng thay cả phần 10.5% của nhân viên). Hay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên hỗ trợ tiền lương ngừng việc cho người lao động, mức hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; một số công ty may như: Công ty cổ phần May xuất khẩu Silhan, Công ty cổ phần May Thành Hưng… đã tìm kiếm các đơn hàng nội địa để cố gắng duy trì việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp khác thì trả từ 50% đến 80% mức lương cơ bản cho lao động nghỉ việc. Bên cạnh đó, báo cáo sơ bộ của 71 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong thời gian từ ngày 31-1 đến 7/4/2020 cho thấy, có 2.627 lao động bị ngừng việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch. Trong đó doanh nghiệp đã chấm dứt hợp đồng lao động với 56 người lao động. 

Bà Đỗ Thị Huế, Trưởng phòng Lao động Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Đối với những doanh nghiệp có người lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch, nếu đủ điều kiện hưởng BHTN thì sẽ được giải quyết theo đúng chế độ. Còn lại những lao động bị hoãn hợp đồng hoặc tạm nghỉ việc không lương do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID19 nhưng không đủ điều kiện hưởng BHTN sẽ được hỗ trợ theo gói  hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Hiện nay, các đơn vị đều đang chờ hướng dẫn triển khai, phân bổ gói hỗ trợ này để thực hiện. Đối với chế độ BHYT cho người lao động, trong thời gian doanh nghiệp được tạm dừng đóng, người sử dụng lao động phải chủ động liên hệ với BHXH tỉnh để được hướng dẫn giải quyết, tránh thiệt thòi cho người lao động trong việc khám, chữa bệnh cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi khi tham gia BHYT 5 năm liên tục.

Theo phân tích của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu tình hình dịch COVID-19 còn kéo dài, số doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, người lao động có thể rơi vào các tình huống mất việc, bị chấm dứt hợp đồng như: Ngừng việc không do lỗi của ai; thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động; nghỉ việc không hưởng lương; thỏa thuận chấm dứt hợp đồng giữa doanh nghiệp và người lao động; người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trong bối cảnh đó, tùy từng trường hợp cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản hướng dẫn, tư vấn, giám sát người sử dụng lao động và người lao động phương án giải quyết để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên.