Thực hiện chỉ đạo cách ly toàn xã hội, hầu hết người dân ở nhà, hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết. Các cơ sở dịch vụ cũng nhanh chóng thích ứng, thay đổi cách thức bán hàng qua mạng và sẵn sàng phục vụ tận nhà theo yêu cầu của “thượng đế”.
Anh Trần Văn Thắng, người tham gia vận chuyển hàng cho cơ sở dịch vụ Linh Nguyễn ở Khu Gang thép (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tôi chưa được xuất cảnh ra nước ngoài lao động, nên đến cơ sở này nhận việc đưa hàng cho khách. Trung bình 1 ngày, tôi chuyển hàng đến gần 20 địa chỉ khác nhau, thu nhập trong ngày được hơn 400.000 đồng”. Chủ dịch vụ Linh Nguyễn cho biết: “Từ ngày 1-4 đến nay, trung bình 1 ngày cơ sở nhận được gần 300 đơn hàng, chủ yếu là hoa quả các loại nhập khẩu, giá bán từng mặt hàng được giữ nguyên. Tuy nhiên, tại thời điểm này, giá vận chuyển có cao hơn, từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng cho 1 lần vận chuyển, hồi tháng Ba chỉ có 10.000 đồng/lượt vận chuyển. Để bảo đảm quyền lợi cho “khách ruột”, cơ sở hỗ trợ 50% tiền dịch vụ vận chuyển.
Giải pháp bán hàng, giao hàng tận nhà không chỉ duy trì được các hoạt động của cơ sở kinh doanh, dịch vụ, mà còn giữ được các mối giao bán hàng quen thuộc, giúp “thượng đế” chỉ cần ở nhà vẫn có thể mua được hàng hóa theo nhu cầu, không lo lây nhiễm dịch bệnh… Chị Hoàng Thị Huyền chia sẻ: “Tôi làm vận chuyển hàng cho một số cơ sở dịch vụ khác nhau. Đâu gọi tôi đến. Hàng được chuyển trong mùa dịch COVID-19 chủ yếu là thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả các loại và thịt động vật. Giá cước vận chuyển tùy thuộc vào khoảng cách từ cơ sở đến địa chỉ mua hàng. Từ dưới 5km là 15.000 đồng/lượt; từ 5 đến 10 km là 25.000 đồng/lượt. Đang mùa dịch, nhưng tôi cho rằng đây là cơ hội để mình tăng thêm thu nhập. Tôi làm việc từ 6 sáng giờ đến 22 giờ khuya mỗi ngày, thu nhập bình quân 700.000 đồng/ngày.
Một khoản thu nhập hấp dẫn, nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi công việc đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, chịu khó, thạo đường, nhớ phố và khẩu khí nhẹ nhàng. Anh Hoàng Tuấn Mạnh tham gia vận chuyển hàng cho cơ sở dịch vụ Mai Nguyệt, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) cho biết: Chúng tôi đều nhận thức được sự nguy hiểm của dịch COVID 19, nên mỗi ngày ra đường đều mặc thêm áo mưa mỏng, đeo khẩu trang, kính mắt và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn tay bằng dung dịch. Thu nhập cao nhưng quan trọng là phải tự ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và bảo đảm an toàn cho khách hàng”. Còn chủ cơ sở Mai Nguyệt cho biết: “Các mặt hàng cơ sở phục vụ là, hoa quả tươi và đồ ăn hằng ngày. Những ngày đầu tháng Tư, đơn đặt hàng qua điện thoại tăng hơn so với trước trên 30%. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách, cơ sở chủ động tuyển dụng thêm lao động làm dịch vụ vận chuyển. Để động viên người đi giao hàng, cơ sở trả tăng cước vận chuyển lên hơn 1,5 lần so với trước. Tôi thấy như vậy là hợp lẽ, rất mong khách hàng cảm thông, chia sẻ với cơ sở và người chuyển hàng”.
Cũng ở phường Quang Trung, cơ sở dịch vụ có tên Đoàn Thị Nguyệt, chuyên về cung cấp thực phẩm sạch như: Cá, trứng gà, hải sản các loại... cũng có số giao dịch mua hàng qua điện thoại tăng gần 30% so với trước đây. Bà Nguyệt chia sẻ: Việc bán hàng tận nhà, các nhân viên vận chuyển cũng bận rộn hơn. Để động viên, cơ sở thực hiện trả thù lao cho nhân viên vận chuyển theo đầu việc, và trả ngay vào cuối ngày. Cá biệt có nhân viên tích cực, đi được nhiều địa chỉ đạt thu nhập 1 triệu đồng/ngày…
Chuyện mua hàng qua điện thoại, Zalo, Facebook…, nhiều người tiêu dùng chia sẻ: Nhờ công nghệ thông tin, cuộc sống trở nên tiện ích hơn. Người tiêu dùng không phải ra đường, ra chợ hoặc đến các siêu thị, ngồi trong nhà mở máy vi tính, điện thoại, cần gì thì a lô hoặc chia sẻ qua mạng, ít phút sau, người vận chuyển đã đứng trước cổng gọi giao hàng. Không quản đường xa, gần, luôn trong tư thế sẵn sàng nhận việc, chị Phan Thị Hương, người vận chuyển hàng cho địa chỉ Lan Anh Trần, phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) cho biết: Cơ sở phục vụ đồ ăn sáng tại nhà, gồm các món như bánh cuốn, bánh bao, xôi các loại… Chủ yếu là khách ở gần cơ sở, nhưng vẫn gọi đặt mua qua điện thoại, nên các món mang đến nơi còn hôi hổi nóng. Tôi có thu nhập khá ổn khi làm công việc việc này.
Toàn xã hội cách ly, mọi người được bảo đảm an toàn khi ở yên trong nhà. Nhưng vì nhu cầu xã hội, và được pháp luật cho phép, nên trên các ngả đường, những người chuyển hàng từ cơ sở dịch vụ đến người tiêu dùng vẫn cần mẫn mưu sinh. Nhờ họ mà bao người không phải đến chỗ có đông người để mua sắm, góp phần giảm lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng xã hội.