Về nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam

14:59, 06/04/2020

Nhân 70 năm Ngày ra đời Hội những người viết báo Việt Nam (21/4/1950-21/4/2020) chúng tôi có dịp trở về xóm Roòng Khoa (nay là xóm Đồng Lá 3), xã Điềm Mặc (Định Hóa). Cùng với sự đổi thay của mảnh đất này, di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang, trở thành “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ những người làm báo hôm nay.  

Ngược dòng lịch sử, vào cuối năm 1949 đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt, một số cơ quan như: Mặt trận Liên Việt, Hội Phụ nữ Việt Nam, Báo Cứu Quốc... đã đến ở và đặt trụ sở tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa). Tại đây, ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam đã được tổ chức trong ngôi nhà sàn 2 tầng, 8 mái, nơi làm việc, hội họp của Tổng hội Việt Minh. Đại hội đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và trở thành thành viên của Mặt trận Liên Việt. Sau này, Hội những người viết báo Việt Nam được đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Với sự ra đời của Hội những người viết báo Việt Nam, hoạt động báo chí  trong thời kỳ kháng chiến đã được nâng lên một tầm cao mới, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ 300 hội viên khi mới thành lập, đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát triển lớn mạnh với trên 23.000 hội viên, nhà báo hoạt động tại hơn 800 cơ quan, báo chí khắp cả nước.

Những ngày tháng Tư lịch sử, về xóm Roòng Khoa (nay là xóm Đồng Lá 3), chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động xen lẫn tự hào. Bên những nếp nhà sàn giản dị, quá khứ nhiều gian khổ nhưng hào hùng của những người làm báo Việt Nam đã được tái hiện qua lời kể của người dân địa phương. Cụ Trần Văn Kiến, đảng viên 60 năm tuổi Đảng, 85 năm tuổi đời kể lại: Ngày trước cả khu vực này là rừng núi rậm rạp, cả xóm chỉ có 5-6 hộ gia đình. Mặc dù cuộc sống của bà con rất khó khăn nhưng khi Hội những người viết báo Việt Nam và các cơ quan của Trung ương về đây làm việc, bà con đều che chở, đùm bọc và giúp đỡ hết sức. Thời gian đầu, các cán bộ về đây đều ở nhờ nhà người dân trong xóm. Sau đó, người dân cùng với cán bộ lên rừng chặt tre, gỗ về dựng căn nhà sàn sàn 2 tầng, 8 mái để làm nơi ở và làm việc. Ngày ấy đói khổ lắm, nhưng có củ khoai, củ sắn, bà con đều chia cho cán bộ cùng ăn…

Bia di tích lịch sử cấp Quốc gia ghi dấu  nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam.

70 năm trôi qua, xóm Đồng Lá 3 nay đã có nhiều thay đổi. Giờ đây, xóm có 100 nóc nhà với trên 400 nhân khẩu. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đơn vị đã từng làm việc tại đây, cuộc sống của người dân đang đổi mới từng ngày. Các công trình điện, đường, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng khang trang. Tháng 4-2019, con đường giao thông từ Tỉnh lộ 264B vào xóm Đồng Lá 3 được Hội Nhà báo Việt Nam vận động tài trợ xây dựng với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng đã giúp việc giao thương, đi lại của người dân thuận lợi hơn. Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoàng Thị Lệ, Trưởng xóm Đồng Lá 3 phấn khởi cho biết: “Từ khi con đường được đổ bê tông rộng rãi, phẳng phiu, ô tô của thương lái có thể vào tận nhà người dân thu mua chè và các sản phẩm nông sản khác. Nhờ đó, đời sống kinh tế của bà con ngày càng được nâng lên”. Hiện nay, xóm Đồng Lá 3 không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 12%, thấp hơn mức bình quân chung của huyện; thu nhập bình quân của người dân trong xóm đạt mức 35 triệu đồng/người/năm; 100% số hộ gia đình trong xóm có xe máy, 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn hiện đại… Nhờ tích cực chuyển đổi tập quán canh tác, chủ động đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xóm đạt mức 35 triệu đồng/người/năm, tương đương với mức thu nhập bình quân của huyện...

Năm 2004, di tích địa điểm nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam ở xóm Đồng Lá 3 đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tại đây, công trình Nhà trưng bày di tích lịch sử được xây dựng khang trang, bề thế. Đó là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh gắn liền với sự ra đời, phát triển và hoạt động của báo chí nước nhà và những hình ảnh về hoạt động báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Những tài liệu, hiện vật này giúp những thế hệ người làm báo hôm nay thêm hiểu hơn về các bậc tiền bối, về điều kiện sống và làm việc của họ, để suy ngẫm, học tập, kế tục xứng đáng truyền thống của thế hệ cha anh. Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam cùng giới báo chí cả nước vẫn thường tổ chức các chương trình hành hương về nguồn mang ý nghĩa sâu sắc “uống nước nhớ nguồn”. Để rồi, cứ đến những ngày tháng Tư lịch sử này, những người làm báo cách mạng Việt Nam lại có một nơi để tìm về.