Tôi đã từng cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian này vì lấy được người mình yêu và người ấy cũng yêu thương mình. Suốt những năm đầu mới lấy nhau, chúng tôi không hề to tiếng một lần, chỉ thỉnh thoảng giận hờn đôi chút rồi lại làm lành ngay, khiến tình yêu thêm ngọt ngào, lãng mạn.
Hai đứa con một gái, một trai lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc, sung sướng vô bờ của hai vợ chồng. Nhưng theo thời gian khôn lớn của bọn trẻ, vợ chồng tôi bắt đầu xuất hiện những bất đồng quan điểm, thường xuyên to tiếng, cãi vã trong cách nuôi dạy và giáo dục các con. Chồng tôi thì cho rằng, muốn các con sau này thành đạt thì phải học, học thật nhiều, không chỉ học văn hóa mà còn phải học đàn, học võ, học bơi... Còn tôi thì lại khác, đành rằng tôi cũng đồng tình việc học là quan trọng, nhưng song hành với đó phải để cho các con được “thả lỏng” tâm hồn, làm những điều mà chúng thích, phù hợp với tính cách, sở trường và lứa tuổi của các con... Nếu các con không thực sự giỏi thì không nên “ép” các con phải giỏi, buộc các con phải học những gì mà chúng không thích chỉ để chiều lòng cha mẹ và “tô thắm” sự hãnh diện của cha mẹ với thiên hạ. Tôi chỉ mong muốn các con được khỏe mạnh, ngoan ngoãn, được sống vui vẻ, là chính mình... Nhưng giờ đây, những yêu thương, ngọt ngào của tôi không đủ “thuyết phục” được chồng thay đổi cách nuôi dạy bọn trẻ. Tôi thầm xót xa, thương cảm khi thấy hai đứa con cứ quay cuồng trong việc học. Đứa lớn gầy tọp, đứa bé đã phải đeo cặp kính cận dày cộp.
Tôi phải làm sao đây? Tôi sợ cuộc sống của các con bị “phá hủy” trong cách giáo dục áp đặt của cha mẹ. Bởi, trước kia, chính tôi cũng là một “nạn nhân” trong cách giáo dục mang tính áp đặt của cha mẹ. Đối với cha mẹ tôi, con cái dù bao nhiêu tuổi cũng chưa thực sự trưởng thành. Nay tôi đã có chồng, có con mà mỗi lần về thăm nhà, mẹ tôi vẫn nhắc nhở về việc sao trời lạnh mà không quàng khăn, sao tôi lại mặc cái váy lòe loẹt không hợp tuổi... Thời tôi được sinh ra, cuộc sống rất khó khăn, nhưng cha mẹ tôi làm việc chăm chỉ để chị em tôi luôn có thức ăn ngon, quần áo đẹp không thua kém chúng bạn. Nhưng ngược lại, cha mẹ luôn yêu cầu chúng tôi phải đáp ứng những gì họ đưa ra một cách vô cùng nghiêm khắc. Kể cả việc tôi chơi với ai, họ cũng quyết định thay tôi vì cho rằng bạn này xấu, bạn kia không tốt, khiến tôi luôn cảm thấy khó chịu, ấm ức và cô độc trong chính ngôi nhà của mình. Thậm chí có lúc còn “rất ghét” cha mẹ!
Tôi đã từng phản ứng gay gắt, chống đối trước một số yêu cầu của cha mẹ. Lúc đó, trong suy nghĩ của họ, tôi là đứa con hư, đáng thất vọng... Họ dồn hết tình yêu thương, kỳ vọng lên em trai tôi. Sau này trưởng thành, tôi mới hiểu, thực tế có rất nhiều đứa trẻ hỗn xược, cãi lời cha mẹ và trở thành một đứa con “tệ hại” trong mắt bố mẹ giống như tôi. Nhưng tôi biết rằng lỗi không hoàn toàn nằm ở đứa trẻ, chỉ là do bố mẹ đã mắc một số sai lầm trong quá trình nuôi dạy con. Họ đã sai khi cố gắng kiểm soát toàn bộ cuộc sống của con; đặt quá nhiều kỳ vọng ở các con; muốn con phải hơn người để hãnh diện với thiên hạ; và cho rằng trong mọi quyết định, bố mẹ luôn luôn đúng...
Bây giờ tôi cũng là một người mẹ, tôi không muốn đi theo “vết xe đổ” của cha mẹ mình. Nhưng tôi phải làm sao đây để chồng tôi hiểu cái cách anh đang nuôi dạy bọn trẻ sẽ vô tình “cướp” mất tuổi thơ và phá hủy sự yêu thích thực sự của các con? Bởi làm cha mẹ tốt chưa chắc đã nuôi dạy con tốt. Có lẽ nuôi dạy trẻ chưa bao giờ là một việc dễ dàng!