Anh Lục Văn Bẩy sinh năm 1991, là một tấm gương làm kinh tế giỏi ở xóm Đồng Lâm, xã Tân Lợi (Đồng Hỷ). Hiện nay, anh là chủ cơ sở sản xuất “Mỳ gạo bao thai Hương Mạnh” với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 4-5 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
Do không nhận thức được tầm quan trọng của việc học, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên sau khi học xong bậc tiểu học, anh Bẩy nghỉ học để phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Năm 2009, anh lập gia đình với chị Trương Thị Hương - một cô gái cùng xã. Ba năm sau, vợ chồng anh ra ở riêng với một sào ruộng bố mẹ cho làm vốn. Cuộc sống mới ở riêng khó khăn nên anh Bảy đã đi làm thuê đủ nghề nhưng cũng chỉ đủ ăn mà không có tích lũy. Anh luôn trăn trở phải làm gì đó để kiếm thêm thu nhập. Thế rồi, qua nhiều lần về nhà anh trai trực tiếp làm mỳ Chũ, ở xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang), anh Bảy đã quyết định làm mỳ tại quê hương mình.
Năm 2014, sau khi bàn bạc, nhận được sự ủng hộ của vợ và sự giúp đỡ về kỹ thuật của anh trai, anh Bảy đã đi vay 30 triệu đồng để đầu tư máy móc làm mỳ. Thời điểm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên 2 tấn gạo làm mỳ đầu tiên bị hỏng phải bỏ. Không nản lòng, anh tìm tòi, phân tích nguyên nhân và rút kinh nghiệm cho các lần sản xuất sau. Anh quyết định giảm sản lượng, chú trọng vào chất lượng sản phẩm, lựa chọn địa chỉ mua gạo uy tín. Anh Bảy cho biết: Gạo có vai trò quyết định đến chất lượng sản phẩm. Do đó, sau lần thất bại, tôi chuyển sang mua gạo do chính bà con ở xã làm ra để không bị pha tạp. Bởi, gạo làm mỳ không được lẫn với gạo dẻo, gạo nếp; hạt gạo phải chắc, trắng trong.
Nói về quy trình làm mỳ, anh Bảy cho biết: Ngoài việc lựa chọn gạo chuẩn thì kỹ thuật làm mỳ cũng rất quan trọng, đặc biệt là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Trước khi gạo đem xay phải được vo 5 - 6 lần . Bột xay xong phải sánh mịn như sữa, khi ép phải đạt độ khô từ 70-80% mới đưa vào máy tạo sợi. Sợi mỳ ủ qua một đêm, rũ lại một lần với nước sạch mới đem vắt lên giá phơi khô. Chất lượng mỳ ngon nhất là làm vào tháng 10, 11 vì lúc đó thời tiết có nắng hanh vừa, gió thổi nhẹ nên sợi mì không bị cứng, tăng độ dẻo dai.
Hiện nay, bình quân mỗi tháng anh xuất ra thị trường các tỉnh, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng… khoảng 7 tấn mỳ. Với giá bán từ 20.000-30.000 đồng/kg tùy loại gạo, mỗi tháng anh thu được 210 triệu đồng, trừ các chi phí, thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Không chỉ đảm bảo thu nhập cho gia đình, vợ chồng anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động trên địa bàn, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Bẩy cho biết: Thời điểm bắt đầu làm mỳ, để giới thiệu sản phẩm, vợ chồng tôi đã chọn cách tặng sản phẩm để mọi người dùng thử. Dần dà, thấy mỳ ngon nên mọi người giới thiệu cho bạn bè, người thân để mua. Nhờ thế, sản phẩm mỳ gạo của gia đình có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Bà Nguyễn Thị Sơn, xã Liên Minh, Võ Nhai (có đại lý thu mua sản phẩm mỳ gạo của gia đình anh Bảy) chia sẻ: Mỳ gạo của gia đình anh Bẩy rất ngon, sợi mỳ nấu rất mềm và dai, đặc biệt là vẫn giữ được mùi gạo nên khách hàng yêu thích. Trung bình mỗi tháng, tôi nhập khoảng 4-5 tạ.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Bảy còn là một đoàn viên tiêu biểu, luôn đi đầu các phong trào, hoạt động ở địa phương, chị Trần Thị Chang, Bí Thư Đoàn Thanh niên xã Tân Lợi chia sẻ: Đồng chí Bẩy là đoàn viên sôi nổi trong các phong trào, đặc biệt là phong trào làm kinh tế giỏi. Vừa qua, đồng chí được Chủ Tịch UBND huyện Đồng Hỷ tặng Giấy khen về thành tích: “Xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế tiêu biểu huyện Đồng Hỷ năm 2019”. Mới đây, các sản phẩm mỳ gạo do cơ sở của anh còn được triển lãm tại Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Nguyên…