Toàn tỉnh hiện có trên 1,2 triệu người, trong đó có hơn 300 nghìn người dân tộc thiểu số. Khoảng 3 năm trở lại đây, cuộc sống của đồng bào người dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực. Có được kết quả ấy, bên cạnh sự nỗ lực của bà con phải kể đến những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước ta, nhất là chính sách hỗ trợ vốn, cây, con giống cho đồng bào.
Hôm chúng tôi đến Thượng Nung, xã vùng cao của huyện Võ Nhai - nơi có hơn 90% số hộ là người dân tộc thiểu số sinh sống, trời xanh ngắt không một gợn mây. Trên đồng, những cây lúa đang trỗ bông tỏa hương thoang thoảng, dịu ngọt trong cái nắng tháng 5. Với bà con người Tày, người Dao, người Mông… nơi đây, chính sách hỗ trợ giá giống ngô, lúa; nhất là chính sách cấp phát giống lúa, ngô, phân bón cho đồng bào dân tộc Mông như một liều thuốc “trợ lực” giúp bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng một cách hiệu quả. Chị Hoàng Thị De, người dân tộc Mông ở xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) nói: Hơn 5 năm nay, chúng mình được phát giống ngô lai nên vụ nào cũng thu được nhiều bắp, bán được nhiều tiền hơn. Vì thế, dân bản chúng mình không còn phải ăn mèn mén nữa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 10 năm trước, vì thâm canh trên vùng đất dốc, lại sử dụng giống địa phương đã có biểu hiện thoái hóa, xuống cấp nên năng suất ngô ở các bản người Mông của xã Thượng Nung chỉ đạt trên 30 tạ/ha. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa các giống ngô lai vào sản xuất, đến nay, năng suất ngô đã tăng thêm từ 15 đến 17 tạ/ha. Bên cạnh đó, nhờ được hỗ trợ giá giống; cấp phát giống lúa lai cho các hộ người dân tộc thiểu số … nên năng suất lúa của xã đã tăng lên đáng kể, từ 10 đến 15 tạ/ha (10 năm trước, năng suất lúa của xã chỉ đạt khoảng 40 tạ/ha).
Không chỉ được hỗ trợ giá giống cây lương thực, cấp phát cây giống, đồng bào dân tộc thiếu số ở Thượng Nung còn được hỗ trợ con giống, vật tư sản xuất, một phần kinh phí mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Nhờ được hỗ trợ giống ngô lai nên năng suất ngô của các hộ người dân tộc Mông ở xóm Mỏ Nước, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, năng suất ngô đạt khoảng 1,6 đến 1,7 tạ/sào, cao hơn khoảng 50 kg/sào so với 5 năm trước. Ảnh: Kim Ngân.
Trên thực tế, Thượng Nung chỉ là 1 trong 114 xã vùng dân tộc thiểu số của tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Đây là chính sách vô cùng đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh bởi thông qua đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2016, toàn tỉnh có trên 11 nghìn hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Để hỗ trợ bà con thoát nghèo, từ năm 2015 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đến vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, các hộ người dân tộc thiểu số, nhất là các hộ nghèo được vay vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh với lãi suất ưu đãi. Trung bình mỗi hộ được vay từ 8 đến 20 triệu đồng để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Cá biệt, có hộ được vay đến 50 triệu đồng để đầu tư cho phát triển chăn nuôi quy mô khá lớn; mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất (máy cày, máy tuốt lúa…). Đồng thời, mỗi năm, tỉnh ta còn triển khai chính sách hỗ trợ cây, con giống; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… cho hơn 40.000 hộ dân tộc thiểu số; thực hiện trên dưới 20 mô hình giảm nghèo bền vững nhằm giúp bà con tiếp cận và áp dụng vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao... Thông qua những chương trình hỗ trợ thiết thực như vậy, từ năm 2016 đến nay, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của các xã vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm từ 4 đến 5%/năm...
Trong thời gian tới, việc hỗ trợ phát triển sản xuất như vốn, cây, con giống cho bà con tiếp tục là một trong những giải pháp tích cực, giúp người dân tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đã, đang và sẽ giúp bà con chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Từ đó, số hộ đủ ăn và khá, giàu ngày một tăng, góp phần giảm nghèo bền vững cũng như cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.