Chuyện làm chìa, sửa khóa

10:07, 28/06/2020

​Bởi một sự bất cẩn, tôi không nhớ mình cất chìa khóa tủ đựng tài liệu ở chỗ nào. Đang nhớn nhác tìm thì cậu đồng nghiệp mách nước: Chị chụp ổ khóa rồi mang ra “phố thợ khóa” ở cổng Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao bảo thợ “giải cứu” cho, phút mốt. Nghe lời cậu đồng nghiệp, tôi chụp ảnh ổ khóa lên xe lao ra Trung tâm, để rồi sau khi chiếc khóa tủ được “giải cứu”, tôi cũng có khá nhiều thông tin về nghề làm chìa, sửa khóa.

Cuộc “giải cứu” giữa trưa

Cậu đồng nghiệp gọi là “Phố thợ khóa” quả không ngoa. Chỉ một đoạn trước cửa Trung tâm Dịch vụ Thi đấu thể thao, tôi đếm được 15 hàng sửa khóa. Không biết các thợ khóa tập trung về đây từ thời điểm nào, để rồi nơi này trở thành khu vực chuyên về làm chìa, sửa khóa. Tấp vào “phố thợ”, nhiều hàng đã phủ bạt, cúp ô, tôi nhìn đồng hồ, hơn 11 giờ, thảo nào. Định quay xe về thì may quá, sát sạt cổng trung tâm còn hàng Quang Hải chủ đang rục rịch ra về. Tôi dựng xe vào quầy đưa điện thoại có ảnh chiếc ổ khóa cho ông chủ tên Hải nhìn còn khá trẻ trần tình: - Tôi làm mất chìa khóa tủ, cậu đánh hộ cái chìa. Quan sát chiếc ổ khóa trên điện thoại, cậu thợ “nói như đúng rồi”: - Đây là loại tủ sắt 6 ngăn, thường dùng trong cơ quan nhà nước. Chỉ nhìn ảnh thế này làm sao em đánh được chìa?. 

Tôi ngơ ngác: - Tôi tưởng chỉ nhìn ảnh chụp ổ khóa là đánh được chìa. Cứ phải đến tận nơi à? Hải cười khùng khục: - Chụp ổ khóa mà làm được chìa chỉ có… ở trong phim. Cơ quan chị gần đây không em đến xử lý cho.

Tôi tặc lưỡi: - Qua Quảng trường Võ Nguyên Giáp rẽ phải là đến cơ quan tôi, cậu vào luôn hộ nhé.

Hải gật đầu “ok chị”, rồi nhanh chóng lấy một số đồ nghề từ trong tủ cho vào túi đeo lên vai, chụp mũ bảo hiểm lên đầu quay sang tôi bảo: - Chị dẫn đường đi.

12 giờ, dẫn thợ khóa về cơ quan, tôi qua phòng bảo vệ “giải trình” về sự xuất hiện của người lạ giữa buổi trưa rồi đưa Hải lên tầng hai để cậu hành nghề. Nhìn chiếc tủ trong góc phòng, Hải nhận định: - Tủ này thường có chìa dự phòng, chị làm mất cả hai chiếc à. Khóa này em phá… vài trăm chiếc rồi, tuần trước cũng có một chị cơ quan ở gần đây đến nhờ em phá tủ kiểu này. Bây giờ em mở tủ nhé. Miệng nói tay làm, Hải lấy ra một loại chìa mà kẻ ngoại đạo như tôi không thể biết nổi chọc vào ổ khóa, sau tiếng “tách” gọn, cánh cửa tủ bật ra. Quan sát trong, ngoài cánh tủ, Hải kết luận: - Ổ khóa hơi cũ nhưng vẫn có thể sử dụng, chỉ cần đánh chìa là ổn. Đánh chìa luôn ở đây khoảng 20 phút, nếu chị ngại em tháo ổ khóa mang về quầy. 

Tôi lăn tăn: - Đánh chìa xong cậu lại mang ổ khóa vào lắp à? 

Như đọc được ý nghĩ của tôi, Hải giải thích: - Không, cái này lắp dễ chỉ cần tô vít vặn vào là xong.

Ngần ngừ một lát, tôi chọn phương án tháo ổ khóa để cậu thợ mang về quầy bởi giữa trưa để người lạ kỳ cạch gần nửa tiếng trong cơ quan quả là không tiện. Tiễn cậu xuống tầng, leo lên xe Hải còn quay lại dặn cẩn thận: Chiều 1 rưỡi chị ra nhé.  

Lan man chuyện nghề

Đúng hẹn, tôi có mặt tại hàng sửa khóa. Hải đang tưng tửng huýt sáo vẻ khoái trí. Thấy tôi đến, cậu lôi trong ngăn kéo ra ổ khóa mới và hai chiếc chìa hướng dẫn: -Em kiểm tra kỹ rồi, ổ khóa cũ của chị cũng sắp hỏng, em đổi cho chị ổ mới, đây là chìa, chị về bảo mấy đứa trẻ trẻ bắt vít vào là xong. Tiền phá khóa, đổi ổ mới, đánh chìa tổng thiệt hại 80 nghìn đồng.

Tôi trả tiền cậu thợ, ngắm chiếc tủ đồ cũ kỹ tò mò: - Gian hàng của cậu đơn giản thế này thôi à?

Hải khoát tay: - Nhìn thế thôi, mỗi gian hàng cũng phải đầu tư hàng chục, có khi cả trăm triệu đồng, riêng chiếc máy cắt chìa khóa cũng đã có giá vài chục triệu đồng. Để hành nghề chỉ cần một tủ đồ, trên tủ đề tên chủ hàng, số điện thoại liên hệ, facebook (nếu có). Hàng nào “chơi sang” đầu tư thêm biển quảng cáo chạy chữ điện tử xanh đỏ, thích nữa thì đề cả tiếng Anh cho có vẻ thức thời…

Hải đang mạch câu chuyện với tôi thì có khách vào đánh chìa khóa. Cậu cầm chìa khóa, lấy phôi, ướm vào bản mẫu rồi đi vài đường giũa, thoáng cái đã xong hai chiếc chìa. Tôi định hỏi thêm thì Hải đánh mắt sang quầy bên cạnh, nơi có người đàn ông khoảng ngoài 70 tuổi đang đeo kính lúp soi gì đó trên mặt tủ bảo: - Chú ấy có cả “kho chuyện”, chị sang mà hỏi, muốn biết nữa ra chợ Đồng Quang, ở đấy cũng có gần chục hàng sửa khóa.

“Kho truyện” mà Hải chỉ cho tôi là thợ Chính, 74 tuổi đời, hơn 30 tuổi nghề. Tôi đưa chìa khóa nhờ ông đánh hộ, cầm chìa khóa ông dướn mắt: - Cô đánh loại 5 hay 10 nghìn. Tôi thắc mắc: - Hai loại khác nhau ở điểm nào? Thợ Chính giải thích: -5 nghìn loại gia công, nhìn không khôn, 10 nghìn trên có chữ Việt Tiệp, so với chìa mẫu như cùng một mẹ sinh ra.

Tôi gật gù đã hiểu: - Bác cứ đánh loại tốt cho tôi.

Lấy ghế cho khách ngồi, thợ Chính búng tay: - Cô cứ ngồi kia, xong ngay.

Trong lúc chờ đợi, tôi đã kịp nghe thợ Chính nhấn nhá về nghề. Ông bảo phải có chút khéo tay, tinh mắt và sáng dạ mới học được nghề sửa khóa. Thế nên mới có chuyện khối người cầm giũa nhưng mãi chả giũa được cái chìa nào. Thợ Chính làm nghề hơn 30 năm nay, cũng thuộc dạng cha truyền con nối. Ông chẳng ngần ngại tiết lộ về thu nhập: Giá làm chìa khóa bình thường từ 5 đến 20 nghìn đồng/chìa, thậm chí có loại chìa lên tới cả trăm ngàn. Ngoài làm chìa, thợ khóa còn sống được nhờ việc “giải cứu” ổ khóa tại nhà cho khách hoặc ổ khóa các loại xe máy, xe ôtô. Giá cho việc “giải cứu” ở những nơi gần từ 30 đến 40 nghìn đồng/lượt, nơi xa giá cao hơn. Ngoài ra, còn “bắt” thêm các loại dịch vụ: Thay pin cửa cuốn, điều khiển xe ôtô; ép dẻo… Trung bình mỗi tháng thợ khóa thu nhập từ vài ba triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. 

Đưa cho tôi chùm chìa khóa vừa đánh xong, thợ Chính “chốt hạ” chuyện nghề: - So sánh thì vô cùng, mỗi nghề có một sự vất vả riêng. Thợ sửa khóa hành nghề khi sáng sớm, lúc nửa đêm; có khi ngồi lề đường cả ngày nắng, nhưng cũng có lúc lại le ve ở nhà này, cơ quan nọ. Giàu chưa dám nói nhưng chịu khó cũng đủ ăn.

Giữ cho mình chữ thiện

Nhiều người nói chẳng ai… khóa được thợ khóa, nên việc lấy đồ của thiên hạ đối với họ dễ như trở bàn tay. Còn trong câu chuyện với tôi những người thợ khóa đều nói rằng, nghề này, ai có lòng tham dễ “sa chân lỡ bước”. Thợ Thủy, hành nghề trước cổng chợ Đồng Quang kể: - Một lần tôi nhận được cuộc gọi đề nghị “phối hợp làm việc” với mức thù lao hấp dẫn. Biết đó là việc mờ ám nên tôi từ chối. Dính vào không cẩn thận hết đường lùi. Quang minh chính đại cho nó lành.

Khi nói đến chữ thiện, người thợ già T. Thất trên đường Phùng Chí Kiên hành nghề đã 40 năm trầm ngâm: Muốn sống với nghề chân chính, thợ khóa phải giữ mình. Ông rủ rỉ: - Nhà tôi 4 đời làm nghề sửa khóa, bây giờ cũng có 4 người đang hành nghề. Thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau, trước khi truyền nghề là truyền 3 điều răn “Thứ nhất không được tham; thứ hai luôn cảnh giác và thứ ba là phải yêu nghề”. Ông lý giải, thợ khóa mà có lòng tham thì có thể trở thành người xấu bất cứ lúc nào, cái ranh giới tốt xấu của nghề này mỏng manh lắm. Phải cảnh giác vì lơ là một chút mình có rơi vào thế “tình ngay lý gian”. Còn lòng yêu nghề thì đương nhiên phải có. 

Nửa đời hành nghề, cũng có lần ông Thất suýt tiếp tay cho kẻ xấu. Đó là lần nhận được điện thoại gọi đến mở khóa cổng và khóa nhà vì “bố mẹ cháu đi làm quên cháu ở trong nhà cứ thế khóa cửa. Cháu sắp phải đi thi mà gọi bố mẹ chẳng được”. Ghi xong địa chỉ, ông Thất lên đường ngay vì sợ cậu học trò muộn thi. Đến nơi lấy đồ nghề ra, đang hành nghề ông nghe tiếng e hèm lớn sau lưng, quay lại, một người đàn ông to béo tự xưng là chủ nhà. Chưa kịp giải thích, chủ nhà tiến đến ôn tồn: - Chắc thằng giời đánh gọi bác đến phá khóa để trốn, bác về đi, tôi nhốt nó đấy. Ông nói rằng đó là “tai nạn nghề nghiệp”. Cũng từ “tai nạn” ấy mà ông có thêm kinh nghiệm trước những yêu cầu của khách hàng. Cũng bởi thế nên nhiều lần khách mang mẫu in trên bánh xà phòng đến yêu cầu đánh chìa, ông Thất đều từ chối vì “nhận thấy có điều mờ ám”. 

***

Chẳng ai biết chính xác nghề làm chìa, sửa khóa có tự bao giờ, nhưng họ đã “cứu nguy” cho không ít trường hợp làm mất chìa khóa nhà, khóa xe ô tô, xe máy. Chẳng ồn ã, những người thợ cứ lẳng lặng làm nghề, không chỉ để kiếm sống đơn thuần, mà họ còn tìm thấy trong nghề niềm vui, ý nghĩa giúp ích cho đời.